Quang cảnh diễn đàn |
Ngày 3/11, tại Cần Thơ diễn ra Diễn đàn Hợp tác Kinh doanh Nhật Bản- Mekong do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh chủ trì. Đây là một sự kiện quan trọng trong số 16 sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 45 năm Thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt Nam- Nhật Bản và Khai mạc Chương trình giao lưu Văn hóa- Thương mại Việt Nam- Nhật Bản lần 4.
Về dự có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cùng khoảng 400 đại biểu là đại diện các cơ quan chính phủ, địa phương, các tổ chức liên quan đến kinh tế của hai nước.
Diễn đàn tập trung vào các nội dung chính như giới thiệu xu hướng đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam; tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch tại vùng ĐBSCL; nhu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản khi đến với vùng ĐBSCL; kinh doanh với Việt Nam- câu chuyện thực tiễn,...
Sáng 3/11, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lãnh đạo TP Cần Thơ, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP HCM cắt băng khánh thành Khu Công nghiệp Việt Nam - Nhật Bản” tại Khu Công nghiệp Hưng Phú 1 - Cụm A |
Phát biểu khai mạc, Nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ mong muốn thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm hơn nữa vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo nguyên Chủ tịch nước, tình hình kinh tế hiện nay của khu vực này tuy còn một số khó khăn, song để khai thác thế mạnh của vùng, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực sớm cải thiện hệ thống giao thông đường bộ, cảng biển, sân bay quốc tế, hệ thống điện, nước, đào tạo nguồn nhân lực… phục vụ dân sinh cũng như cho phát triển kinh tế, xã hội.
Về phía địa phương, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, Nhật Bản là quốc gia công nghiệp uy tín trên thế giới, có trình độ phát triển mạnh về tự động hóa, nông nghiệp công nghệ cao; đặc biệt là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và hiện nay là nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam. Năm 2017, Nhật Bản đã đầu tư trên 9 tỷ USD và trong 9 tháng đầu năm 2018, đầu tư khoảng 7 tỷ USD vào Việt Nam. Riêng TP Cần Thơ có 7/8 dự án với tổng đầu tư trên 12 triệu USD.
Cầu Cần Thơ đã góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội |
Trong thời gian qua, Cần Thơ và Nhật Bản cũng đã có mối quan hệ hợp tác, giao thương với nhiều địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và mối quan hệ này còn được thể hiện qua các công trình giao thông do Nhật Bản tài trợ, điển hình là cầu Cần Thơ đã góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội không chỉ Cần Thơ mà còn cả vùng ĐBSCL.
“Nhân sự kiện này, Cần Thơ mong muốn thu hút được sự quan tâm của các Nhà đầu tư có tầm cỡ đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại địa phương để hình thành các dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện với môi trường phù hợp với các định hướng tái cơ cấu của từng ngành, lĩnh vực tái cơ cấu của TP”, ông Võ Thành Thống nói.
Nói về xu hướng đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam, ông Takimoto Koji - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật bản ( Jetro) tại TP.HCM cho biết: Nhật Bản là nước có mức đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Theo khảo sát có đến 70% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam mong muốn được mở rộng đầu tư. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp phải một số vấn đề rủi ro trước việc phí nhân công tăng cao, hệ thống pháp luật Việt Nam đang cải thiện nhưng chưa hoàn thiện, cơ sở hạ tầng, cơ chế thủ tục thuế phức tạp.
Cũng theo ông Takimoto Koji, hiện tại nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng chuyển nhà máy sản xuất về Cần Thơ vì phí nhân công thấp hơn nhiều so với TP.HCM. Đội ngủ nhân công vùng lại là lao động trẻ, năng động, được đào tạo cơ bản. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn tồn tại một số vấn đề khiến các doanh nghiệp còn e ngại đó là vấn đề xử lý các bồn thải vì luật pháp luật Việt Nam quy định rất chặt chẽ về môi trường.
Tại diễn đàn, ngoài 120 doanh nhân trực tiếp đến từ Nhật Bán, kinh doanh trong các lĩnh vực: xây dựng, thương mại dịch vụ, tài chính ngân hàng, du lịch..., còn thu hút sự quan tâm của hơn 30 doanh nhân đại diện cho các doanh nghiệp Nhật bản đang đầu tư tại TPHCM và các tỉnh đến tìm hiểu cơ hội kinh doanh đầu tư.
Nhân dịp này, 13 tỉnh ĐBSCL đã gửi đến 63 dự án mời gọi đầu tư trong đó có nhiều dự án trọng điểm liên quan đến hạ tầng giao thông như: Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai tại đảo Hòn Khoai (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) với tổng vốn đầu tư trên 81,600 tỷ với hình thức đầu tư trực tiếp; Trung tâm logistics hạng II thuộc tiểu vùng kinh tế ĐBSCL tại TP Cần Thơ với mức vốn đầu tư 4166 tỷ với hình thức đầu tư trong và ngoài nước; Khu vực tiếp nhận kho vận, logistic- cảng Long An (tỉnh Long An) mức vốn đầu tư 455 triệu USD;....
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận