Năm 2021, trong khi nhiều lĩnh vực của nền kinh tế bị đình trệ, sụt giảm do tác động của đại dịch Covid-19, thì nông nghiệp với đầu tàu là khu vực ĐBBSCL, vẫn khẳng định được vị thế, phát huy vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế cả nước.
Giá trị toàn ngành nông nghiệp ước tính tăng 2,9% trong năm 2021; tỉ lệ số xã đạt chuẩn Nông thôn mới đạt 68,2%; kim ngạch xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD.
Đồng ruộng ĐBSCL nhìn từ trên cao.
Một nền kinh tế nông nghiệp, từ phương thức mua bán lạc hậu, truyền thống đã có sự chuyển đổi số mạnh mẽ. Hàng trăm ngàn tấn nông sản được đưa lên các sàn thương mại điện tử, nông dân phấn khởi sử dụng smartphone, mà đối với họ, mới trước nó vẫn còn lạ lẫm!
Thật ra, việc chuyển đổi số đã được nói rất nhiều, và từ rất lâu, nhưng làm thì rất ít. Chỉ đến khi dịch Covid-19 bùng phát, rồi việc đi lại, vận chuyển gặp khó khăn do giãn cách thì lúc này, nền nông nghiệp - dù muốn hay không, cũng buộc phải chuyển đổi!
Có nhiều ứng dụng mà cách đây vài năm tưởng như rất xa xôi, nay đã trở thành sự thật trong nông nghiệp ĐBSCL. Các "Hai Lúa" miền Tây có thể ngồi quán cà phê miệt vườn để theo dõi công nhân làm việc hằng ngày qua màn hình điện thoại di động thông minh. Tương tự, họ có thể điều khiển hệ thống bơm, thoát nước cho vuông tôm bằng cách kích hoạt phần mềm tự động trên smartphone.
Trong năm qua, Việt Nam đã dẫn đầu trong 10 nước ASEAN về tăng trưởng thương mại điện tử. Kinh tế số, nông nghiệp số từ lý thuyết đã trở thành thực tiễn sinh động trong đời sống nông thôn miền Tây, nơi mà lâu nay, nhiều người nghĩ sẽ mãi quanh quẩn bên dấu chân lấm bùn của các hoạt động kinh tế nông nghiệp truyền thống.
Quan trọng nhất, qua công nghệ số, mã vạch, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng nông sản bày bán tại các siêu thị. Công nghệ số tạo dựng niềm tin người tiêu dùng và góp phần xây dựng các chuỗi giá trị nông sản từ đồng ruộng đến bàn ăn, nâng tầm giá trị và uy tín nông sản Việt.
Ngay thời điểm áp Tết, tình trạng ùn tắc nông sản ở các cửa khẩu cho thấy, ngành nông nghiệp không được tự bằng lòng với thành tích xuất khẩu. Còn rất nhiều việc phải làm, làm đúng và làm ngay để xuất khẩu nông sản ngày thêm bền vững.
Ở đó, phải chuẩn hoá vùng nguyên liệu, tổ chức lại chuỗi cung ứng, thông suốt liên kết tiêu thụ nội địa và xuất khẩu nông sản. Hơn hết, tiềm năng còn rất lớn của thị trường nội địa với dân số đang tiến tới 100 triệu, đặt ra yêu cầu cấp thiết về tính hệ thống, chính quy, chuyên nghiệp cho ngành nông nghiệp, công thương.
Và có một điều chắc chắn rằng, ĐBSCL muốn thay đổi và vượt qua “lời nguyền” của một nền sản xuất “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” cần phải bằng tinh thần hợp tác, liên kết.
Một thách thức lớn nhất mà nền nông nghiệp gặp phải là vẫn theo tư duy chạy theo sản lượng. Tư duy phát triển vẫn dựa theo không gian hành chính trong khi vùng nguyên liệu tương đồng phân tán ở nhiều địa phương, chuỗi ngành hàng phân bổ khắp vùng dễ bị đứt gãy do những hàng rào quy định theo phân cấp hành chính.
Như vậy, câu chuyện ĐBSCL cần có cách tiếp cận khác. Đó là phải có sự đồng thuận cao tiến tới một thực thể kinh tế chung cho cả 13 tỉnh, thành; trong đó tăng cường liên kết giữa các địa phương có cùng loại nông sản.
Đó là có một quy hoạch nông nghiệp chung, chú trọng đặc điểm riêng từng vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn. Đó là phải kết hợp giữa giải pháp công trình và chú trọng giải pháp phi công trình trong chuyển đổi sản xuất mùa vụ theo hướng sinh thái “thuận thiên”, tích hợp đa giá trị…
TS Trần Hữu Hiệp
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận