Xã hội

Để các Bộ tuyển dụng nhân tài, lo bổ nhiệm "thần tốc", "con ông cháu cha"

13/02/2019, 12:12

Dù đề xuất phân cấp cho Bộ, ngành, địa phương được tuyển dụng người tài, song Bộ Nội vụ cũng lo ngại sẽ vẫn có tình trạng "con ông cháu cha".

img
Ảnh minh hoạ

Theo tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức trình Chính phủ, Bộ Nội vụ đã đưa ra đề xuất sửa đổi nhiều vấn đề trọng tâm, trong đó có việc thu hút nhân tài vào làm việc trong bộ máy của hệ thống chính trị.

Nhiều nơi thu hút, sử dụng nhân tài kiểu "ăn sẵn"

Luật hiện hành nêu rõ Nhà nước cần có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng. Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140 quy định về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ làm việc tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến cấp huyện và các đơn vị sự nghiệp công lập; Một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nằng... cũng đều có những văn bản riêng quy định về chế độ thu hút nhân tài áp dụng tại địa phương mình.

Tuy nhiên, các quy định chưa đáp ứng nhu cầu về sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, chưa có trọng tâm, trọng điểm và chiến lược dài hạn về đào tạo, thu hút, sử dụng nhân tài. Các quy định chưa tạo cơ chế cho người có tài năng thực sự phát huy được năng lực chuyên môn, sáng tạo và khả năng cống hiến, từ đó dẫn tới kết quả thu hút trí thức trẻ và người có trình độ cao còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, các quy định về thu hút nhân tài chủ yếu mới chỉ ưu tiên về tuyển dụng đầu vào, chưa tạo được cơ chế, môi trường làm việc độc lập, cạnh tranh, sáng tạo để người tài có điều kiện phát huy tài năng, sở trường trong công tác.

Các quy định về thu hút nhân tài cũng chưa mang tính bao quát tổng thể từ phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đến sử dụng một cách hợp lý. Việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài chưa có nơi đào tạo với chương trình, nội dung riêng, chuyên sâu. Nhiều nơi thu hút và sử dụng nhân tài theo kiểu “ăn sẵn”.

Đặc biệt, Bộ Nội vụ cho rằng chúng ta chưa đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho người đứng đầu địa phương, bộ ngành trong công tác thu hút, sử dụng người có tài năng phù hợp với đặc thù hoạt động của từng ngành nghề, lĩnh vực, địa phương.

Vì thế, hướng sửa đổi Luật được đưa ra là Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách đối với người có tài năng trong từng ngành, lĩnh vực và phân cấp cho bộ, ngành, địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể của bộ, ngành, địa phương quy định chi tiết chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ người có tài năng, làm sao tạo được môi trường làm việc độc lập, cạnh tranh, sáng tạo để người tài có điều kiện phát huy tài năng, sở trường trong công tác.

Mục tiêu là tuyển chọn được những người thực sự tài năng vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị để cống hiến tài năng cho đất nước; đáp ứng yêu cầu đến năm 2030 hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đồng thời, áp dụng chế độ tuyển chọn, quản lý, sử dụng, đãi ngộ đặc biệt để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người tài có môi trường cống hiến, phát triển; thực hiện cải cách chế độ công vụ.

Phân cấp triệt để cả việc quản lý, sử dụng, chế độ đãi ngộ với các nhân tài

Nếu phân cấp cho các địa phương trong tuyển dụng người tài, Bộ Nội vụ cho rằng sẽ giúp tăng tính chủ động, sáng tạo, chọn được những người phù hợp với yêu cầu đặc thù của từng ngành, nghề, lĩnh vực, địa phương; Sẽ thu hút được được những người thực sự tài năng, xuất chúng có vị trí quan trọng xây dựng và phát triển các ngành nghề, lĩnh vực.

Người dân và doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ việc thu hút được nhân tài vào làm việc trong bộ máy cơ quan nhà nước.

Song bên cạnh đó, Bộ Nội vụ phân tích việc này cũng có thể có tác động tiêu cực. Đáng lo nhất là có thể xuất hiện trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm “thần tốc”, tình trạng “quen thân”, “con ông cháu cha” trong tuyển dụng, bổ nhiệm.

Hơn nữa, theo phương án này chỉ phân cấp thẩm quyền tuyển dụng sẽ chưa giải quyết được những bất cập trong thực tế về quản lý, sử dụng người tài để phát huy tối đa kinh nghiệm, sáng tạo của họ trong công việc.

Một phương án khác được Bộ Nội vụ đề xuất là bổ sung quy định nguyên tắc thực hiện liên thông trong cùng hệ thống theo chiều dọc và theo chiều ngang; quy định rõ điều kiện thực hiện liên thông; xác định cụ thể về chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã gắn với yêu cầu về vị trí việc làm; nhất thể hóa một số chức danh trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc một người có thể thực hiện nhiều công việc.

Phương án này được đánh giá tương tự như đề xuất giao cho Bộ, ngành, địa phương tuyển dụng người tài, nhưng sẽ hiệu quả hơn do phân cấp triệt để cả việc quản lý, sử dụng, chế độ đãi ngộ, tạo sự chủ động cho bộ, ngành, địa phương.

Qua đánh giá và so sánh tác động, Bộ Nội vụ nhận định phương án này có nhiều tác động tích cực hơn nên kiến nghị lựa chọn phương án này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.