Theo các chuyên gia, cần đặc biệt quan tâm, bảo vệ quyền lợi của người dân trong lần sửa đổi này để khắc phục những bất cập thời gian qua, từ đó tạo điều kiện GPMB nhanh hơn, nhất là đối với các dự án hạ tầng giao thông.
Để phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu depot thuộc Dự án Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, 135 hộ dân trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đã bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp. Ảnh: Tạ Hải
Thấp thỏm sống trong nỗi lo
Suốt 3 năm nay, hàng trăm hộ dân thuộc Khu tái định cư 8,5ha, 2,3ha và 2,1ha, thuộc tổ 13, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vẫn kiên trì gửi đơn đến Bộ Xây dựng, TP Hà Nội, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Viện Quy hoạch Kiến trúc... để kiến nghị di dời quy hoạch trục đường Hồ Tây - Ba Vì, đoạn từ Vành đai 3 - QL32, khoảng hơn 3km.
Lợi ích từ làm đường thì ai cũng thấy rõ, thế nhưng đối với những người dân của 3 khu tái định cư nói trên thì đoạn đường này đang trở thành một “cơn ác mộng”.
Bà Vũ Thị Thục, một người dân sống tại đây cho biết, khoảng chục năm trước, gia đình bà sống bằng nghề bán trà đá, bơm xe đạp ngoài mặt đường QL32, mỗi ngày kiếm được vài trăm nghìn trang trải cuộc sống.
Khi Nhà nước chủ trương mở rộng QL32, bất chấp những đảo lộn cuộc sống, thất nghiệp, gia đình bà đồng thuận di dời nhường đất mở đường. Sau đó, gia đình đã đi vay gần 1 tỷ đồng để hoàn tất thủ tục quyền sử dụng đất, xây dựng nhà cửa.
Tuy nhiên, khi ngôi nhà tái định cư xây chưa được bao lâu, bà Thục hốt hoảng khi biết tin mảnh đất có nguy cơ bị thu hồi để phục vụ trục Hồ Tây - Ba Vì.
“Lại mất nhà, mất cửa thì biết đi đâu, làm gì khi nợ cũ còn chưa trả hết? Nếu đã có dự án rồi thì sao lại đưa chúng tôi về đây?”, bà Thục bức xúc.
Bà Thục chỉ là một trong gần 300 hộ dân tái định cư phường Phú Diễn đang hàng ngày sống trong lo sợ bị thu hồi đất làm đường.
Anh Lê Thành Duy, cùng khu tái định cư than thở: “Chúng tôi chỉ mong Nhà nước sẽ điều chỉnh để cho chúng tôi ổn định cuộc sống, làm việc và nuôi các con ăn học”.
Cùng trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, 135 hộ dân bị thu hồi đất phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu depot thuộc Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội cũng đã 16 năm (từ 2006) đòi quyền lợi về hỗ trợ đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp (do bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp).
Ông Nguyễn Khắc Kiên (Tây Tựu) phản ánh, theo Nghị định 17/2006 có hiệu lực từ 2006 quy định như trên, song Hà Nội lại ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chậm gần 1 năm, gây thiệt hại nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của gia đình ông cũng như 135 hộ dân khác.
Đến nay, người dân chưa nhận được một thông báo chính thức nào về việc hỗ trợ đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp.
Ngay thời điểm này, khi Bộ TN&MT đang lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, hơn chục hộ dân sống ở mặt đường TL423 (An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) cũng đang trong tình trạng hoang mang khi gần như toàn bộ nhà ở của họ sẽ bị thu hồi phục vụ tuyến đường liên khu 8. Tuy nhiên, họ vẫn chưa biết sẽ tái định cư thế nào, ở đâu…
Đây chỉ là số ít trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu đồng thuận trong công tác đền bù, tái định cư phục vụ GPMB đầu tư các dự án hạ tầng giao thông.
Đáng nói, những bất cập này dù đã được phát hiện, nhưng ứng xử của cơ quan chức năng còn lúng túng, kéo dài.
Chính quyền lúng túng trong xử lý
Ông Nguyễn Khắc Kiên (Tây Tựu) cho biết, 16 năm nay, ông cũng như 135 hộ dân được hưởng chính sách bồi thường bằng đất ở chưa nhận được thông báo chính thức nào về việc này.
Thông tin mới nhất người dân nhận được trong tháng 8 vừa rồi vẫn chỉ là “TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan chuyên môn nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố”.
Tương tự tại quy hoạch trục Hồ Tây - Ba Vì, khoảng tháng 9/2020, Bộ Xây dựng đã có trả lời cử tri, qua đó thừa nhận, dự án trục Hồ Tây - Ba Vì đi qua giữa khu tái định cư của quận Bắc Từ Liêm (giao cho các hộ dân từ năm 2010) gây ra tình trạng dự án chồng dự án, ảnh hưởng đến ổn định đời sống của nhiều hộ dân. Bộ Xây dựng khẳng định sẽ phối hợp với UBND TP Hà Nội rà soát, điều chỉnh quy hoạch.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội cũng đã có những buổi tiếp nhận đơn thư, làm việc với công dân. Nhưng đến nay, nhiều năm trôi qua, người dân vẫn chưa nhận được trả lời chính thức về nội dung này ngoài những cụm từ như “xem xét, nghiên cứu, báo cáo...”.
Còn vị Chủ tịch xã An Thượng, Hoài Đức, nơi có hơn chục hộ dân sắp bị thu hồi phục vụ đường liên khu 8 cho biết, địa phương đang làm theo quy trình.
Cần quan tâm quyền lợi của người dân
Theo TS. Trần Xuân Lượng (Đại học Kinh tế Quốc dân), chính sách đền bù, tái định cư trong quá trình GPMB thực chất là việc Nhà nước hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống khi đất đai bị thu hồi phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng.
Tuy nhiên, thời gian qua việc triển khai đã bộc nhiều hạn chế, chưa nhận được nhiều đồng thuận trong nhân dân. Nó được thể hiện thông qua khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai với tỷ lệ cao, số lượng chậm GPMB lớn.
Đơn cử báo cáo Bộ KH&ĐT gửi Chính phủ hồi cuối 2021 cho thấy, năm 2020 có 1.867 dự án đầu tư có sử dụng vốn ngân sách bị chậm tiến độ, chiếm 2,6% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ; trong đó, có 1.074 dự án, chiếm gần 60% tổng số dự án chậm tiến độ do vướng mắc do GPMB.
Liên quan đến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến, TS. Trần Xuân Lượng cho biết, dự thảo đã bổ sung nhiều nội dung mới về tái định cư.
“Dự thảo cho thấy, Nhà nước đang quan tâm sâu sắc về đền bù tái định cư trước khi triển khai thu hồi mặt bằng.
Nó được hiểu là người dân sẽ ổn định trước, ổn định tại chỗ, lâu dài, không phải là di dời tái định cư theo kiểu mang dân từ chỗ này đến chỗ khác”, ông Lượng nói.
Tuy nhiên, ông Lượng cũng cho rằng, Dự thảo vẫn chưa quy định rõ quyền lợi đối với đối tượng tái định cư lần 2, cũng như trách nhiệm cụ thể đối với những người làm quy hoạch, người đứng đầu các cơ quan tham mưu khi để xảy ra tái định cư nhiều lần; hỗ trợ bồi thường chưa triệt để, gây khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.
Do đó, ông Lượng cho rằng, cần bổ sung thêm trách nhiệm của Nhà nước đối với đối tượng tái định cư lần 2.
“Nếu trách nhiệm còn chung chung, chưa xác định cụ thể thì tình trạng tắc trách khó được giải quyết triệt để”, ông Lượng nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Bộ TN&MT cho biết, theo nguyên tắc, sau khi tái định cư xong, người dân trở về trạng thái sinh sống, an cư như những người dân bình thường.
Khi Nhà nước thu hồi thì lại thực hiện quy trình đền bù, tái định cư như bình thường.
“Thực tế, chưa ghi nhận trường hợp nào vừa tái định cư xong lại tiếp tục tái định cư thêm lần nữa. Do đó cũng chưa có quy định đối với đối tượng này.
Thực tế như thế thì thiệt thòi đối với người dân quá. Bộ ghi nhận phản ánh về trường hợp này”, vị đại diện nói.
Dân sẽ đồng thuận nếu tái định cư ổn định
Cũng liên quan đến việc GPMB, Điều 100, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án riêng và trách nhiệm tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án đầu tư.
Theo đó, trường hợp cần thiết, việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Việc quyết định tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng đồng thời với phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Đối với dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà chủ đầu tư có nhu cầu thì được tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng và tổ chức thực hiện độc lập sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sau khi dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền tách thành dự án độc lập.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, việc này đã được thí điểm tại dự án sân bay Long Thành.
Ông Châu cho rằng, việc này chỉ nên áp dụng đối với dự án đầu tư công, những dự án trọng điểm như sân bay Long Thành, các dự án hạ tầng giao thông... không nên áp dụng đối với những dự án đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn chủ đầu tư.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng, khi thực hiện tách dự án GPMB ra khỏi dự án đầu tư, cần quy định trách nhiệm cụ thể hơn đối với từng đơn vị, tổ chức liên quan, hướng tới mục tiêu giải phóng xong mặt bằng, đền bù, ổn định tái định cư trước rồi mới triển khai thực hiện dự án.
Như vậy, quyền lợi của người dân được đảm bảo và chắc chắn họ sẽ sẵn sàng giao đất để mở đường.
Theo Điều 97, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), người có đất thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ nếu tại khu vực thu hồi đất có dự án tái định cư hoặc có điều kiện bố trí tái định cư.
Trường hợp người có đất ở thu hồi được bố trí tái định cư mà tiền bồi thường về đất ở không đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ tiền đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu.
Trường hợp người có nhà ở chung cư bị thu hồi được bố trí tái định cư mà tiền bồi thường về nhà ở chung cư không đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ tiền đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận