Sau khi hoàn thiện GPMB và xây dựng, đường Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) được mệnh danh “đắt nhất hành tinh” - Ảnh: Khánh Linh |
>>> Nhà nước "tặng" hàng tỷ USD cho tư nhân khi mở đường
>>> Nhà nước thiệt lớn khi làm đường đô thị: Lợi vào túi tư nhân
>>> Để Nhà nước, người dân cùng hưởng lợi từ đường đô thị
>>> Kinh nghiệm GPMB tại Singapore - nơi “đất quý như vàng”
Chia sẻ với Báo Giao thông, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án giao thông tại đô thị đang tồn tại quá nhiều bất cập. Nếu thực hiện nghiêm Luật Quy hoạch đô thị sẽ không còn những con đường “đắt nhất hành tinh” như thời gian qua.
|
TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng:
Nhà trong ngõ tự dưng ra mặt đường là thiếu công bằng
Hiện có nhiều dự án chi phí GPMB rất cao, nhất là những dự án qua khu dân cư. Nguyên nhân do giá đất trong khu vực đó khi được cải thiện hạ tầng tăng lên gấp nhiều lần. Bất cập là tiền đền bù làm hạ tầng do Nhà nước chi trả. Nhưng cái lợi do giá trị đất tăng, Nhà nước lại không được hưởng, mà là các đối tượng bị GPMB, những ngôi nhà trong ngõ tự dưng được ra mặt đường. Điều này gây nên tâm lý thiếu công bằng trong người dân.
Để giải quyết những bất cập này, chính quyền địa phương cần thuê tư vấn chuyên nghiệp làm GPMB có kinh nghiệm. Khi đã khoán gọn như vậy, đơn vị được thuê phải có trách nhiệm hoàn thành GPMB hợp lý nhất.
Thứ nữa, phải thực hiện nghiêm quy định trong luật. Luật Quy hoạch đô thị đã quy định rõ, khi làm một con đường cần giải phóng cả hai bên mỗi bên tối thiểu 50m. Làm đường xong sẽ tái định cư dân tại chỗ nên sẽ tạo công bằng hơn và người dân sẽ đòi hỏi ít hơn. Nếu thừa đất sẽ đấu giá để có thể bù được phần nào tiền GPMB. Như vậy chi phí đầu tư làm đường cũng rẻ đi. Nếu làm được triệt để những điều này sẽ không có chuyện có những con đường đắt nhất hành tinh, hay những con đường có những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo như đường Xã Đàn, Hà Nội...
|
Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM:
Chỉnh trang đô thị quá hào phóng
Tại TP Đà Nẵng đã có những tuyến đường mới mở ra, những căn nhà có diện tích vài mét vuông buộc phải bỏ đi vì làm xấu bộ mặt đô thị. Đây là điều đáng khích lệ. Thực tế từ lâu TP HCM cũng có quy định rất rõ về việc nhà siêu mỏng, méo, nhà dưới bao nhiêu mét không được phép xây dựng. Tuy nhiên, ở TP HCM, khi đã mở rộng mặt đường theo quy định, diện tích nhà siêu mỏng, nhỏ không được xây dựng lại phụ thuộc câu chuyện khác. Thông thường căn nhà phía sau sẽ thỏa thuận với căn nhà có vài mét mặt tiền kia để “thâu tóm”. Nhưng thường nhà phía sau muốn ép giá thấp để mua căn nhà siêu mỏng phía trước, hoặc ngược lại người ở mặt tiền dù diện tích nhỏ nhưng hét giá cao.
Còn đối với vấn đề chỉnh trang đô thị, vấn đề làm sao cho hiệu quả, phải có kế hoạch ngay từ đầu. Với những khu vực cư dân đông trong nội đô, muốn làm điều này, ngay từ đầu phải có định hướng. Chẳng hạn giải tỏa mặt bằng mở rộng đường mỗi bên bao nhiêu, rồi cộng thêm bao nhiêu mét bên đường làm quỹ đất dự phòng sau này để làm luôn một thể, không thể giải tỏa đền bù rồi nhà trong hẻm thành mặt đường. Đến một lúc nào đó, đường quá nhỏ, bất cập xảy ra lại tiếp tục giải tỏa lần hai và người vốn từng được nhận giải tỏa đền bù mặt tiền nay lại tiếp tục được nhận tiền đền bù giải tỏa lần 2. Với cách làm này, ngay cả các nước tư bản cũng không có tiền để mở rộng mặt bằng, giải tỏa đền bù…
Bài học từ QL22 đi An Sương, Tây Ninh là ví dụ. Lúc đầu giải tỏa mặt bằng mỗi bên rộng thêm 35m. Sau đó mặt đường quá tải, lại muốn mở rộng. Lúc này người nhà trong hẻm trở thành mặt tiền lại được hưởng lợi lần hai vì giải tỏa đền bù. Với cách làm này, Việt Nam đang thực hiện việc chỉnh trang đô thị quá hào phóng mà không có chính sách điều tiết hợp lý.
|
Bà Bùi Thị An (ĐBQH khóa 13, Đoàn TP Hà Nội):
Người đứng đầu cơ quan băm nát quy hoạch cần bị xử nghiêm
Những bất cập trong công tác đền bù GPMB tại các dự án giao thông trong nội đô TP Hà Nội đã tồn tại nhiều năm qua. Tình trạng này xuất phát từ việc trong quá trình thực hiện, các cơ quan không tuân thủ, thường xuyên thay đổi quy hoạch tổng thể. Nhiều khi việc băm nát quy hoạch không phải vì lợi ích chung mà nó phục vụ cho những lợi ích riêng, dẫn tới nhà nước phải chi trả số tiền rất lớn, nhưng người dân trong diện GPMB cũng chịu thiệt thòi do giá đất đền bù không theo kịp giá thị trường.
Muốn gỡ được điều này, chúng ta phải làm chặt công tác quy hoạch tổng thể. Đối với các dự án mới, các cơ quan chức năng dứt khoát phải phê duyệt quy hoạch cẩn thận. Trong quá trình triển khai, Nhà nước và người dân cần thực hiện đúng theo quy hoạch đề ra và không được thay đổi. Đặc biệt, chúng ta cần phải có chế tài, quy trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan không thực hiện theo quy hoạch được duyệt. Kể cả khi đã về hưu vẫn phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây không chỉ đơn giản là kỷ luật, cảnh cáo mà người đó phải chịu đền bù thiệt hại do việc phá vỡ quy hoạch gây ra.
|
TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông:
TP.HCM hoàn toàn làm được như Đà Nẵng
Theo tôi, TP.HCM hoàn toàn làm được GPMB như Đà Nẵng đã làm, khi hoàn thành tuyến đường mới lại để tồn tại một căn nhà chỉ còn diện tích vài mét vuông làm gì, làm xấu bộ mặt đô thị.
Vấn đề là UBND TP HCM phải chủ trì việc này, riêng Sở GTVT không làm được. Vì UBND thành phố mới biết rõ quy hoạch đô thị, mở rộng đô thị và quyết được chuyện khi mở rộng tuyến đường đó thay vì chỉ mở rộng lộ giới 10m thì mở rộng ra 40m, sau đó sử dụng quỹ đất đó để dùng vào mục đích công cộng hay xây dựng bất động sản. Nếu giao cho Sở GTVT, họ chỉ biết làm con đường sao cho chi phí thấp nhất, không thể nghĩ được chuyện làm sao khai thác đến hạ tầng đô thị hai bên.
Bây giờ TP HCM có thể bắt đầu thực hiện như Đà Nẵng ở nhiều tuyến đường khi nâng cấp. Có thể chấp nhận giải tỏa rộng hơn, lấy đất đó để đấu giá và công khai với dân số tiền được bao nhiêu, nộp vào ngân sách. Nếu công khai cho dân biết, người dân hoàn toàn ủng hộ. Một số tuyến đường như Vành đai 2, đường Nguyễn Tất Thành sau này nếu mở rộng cũng có thể thực hiện thành công theo phương thức này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận