Vụ tai nạn ở Bến Lức - Long An những ngày đầu năm là một cú sốc thực sự với cộng đồng |
Sau vụ tai nạn thảm khốc ở tỉnh Long An, nhiều địa phương khác đang có quốc lộ chạy xuyên qua khu dân cư, họ sẽ phải làm gì, sẽ đưa giải pháp nào căn cơ, lâu dài để hạn chế tai nạn, để người dân không phải nơm nớp lo sợ khi dừng đèn đỏ giữa quốc lộ?
Nếu người dân đi xe máy, xe đạp vẫn phải chung đường với xe container, xe “hổ vồ” thì tai nạn sẽ còn tiếp diễn.
Nhiều địa phương có kinh phí để làm đường tránh, điều hướng phương tiện tải trọng lớn vòng qua các khu dân cư. Nhưng tại Long An vẫn còn QL1 xuyên qua trung tâm huyện.
Vụ tai nạn ở Bến Lức - Long An những ngày đầu năm là một cú shock thực sự với cộng đồng. Những hình ảnh - clip gây kinh hãi, ớn lạnh khi chiếc xe đầu kéo lao đến, cuốn phăng hàng chục người đang dừng chờ đèn đỏ khiến những ai yếu tim không dám mở mắt xem tiếp.
4 người chết, nhiều người khác bị thương từ nặng đến rất nặng. Người điều khiển phương tiện gây ra thảm họa kể trên hóa ra đã nhậu và chơi ma túy trước khi ngồi sau tay lái.
Trên nhiều tuyến đường của Việt Nam đã có rất nhiều những vụ xe điên tông người đang dừng chờ đèn đỏ như vụ việc hôm 2/1. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, do tài xế say xỉn, do phương tiện hỏng phanh, do không kiểm soát được tốc độ…
Nhưng có một nguyên nhân cần nhắc đến, đó là tuyến đường tại Bến Lức - Long An nơi xảy ra thảm nạn kể trên là QL1 - tuyến đường huyết mạch của quốc gia. Nhưng vì những lý do khác nhau mà khi qua Long An và nhiều tỉnh, thành khác tuyến đường huyết mạch này vẫn chạy xuyên qua khu dân cư đông đúc. Khi qua những khu vực này, dòng phương tiện trên quốc lộ buộc phải “nghẽn lại” vì đèn đỏ, vì những nút giao cắt cực kỳ nguy hiểm. Vô số những vụ tai nạn thương tâm cũng xảy ra ở đây.
Nhiều địa phương như: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… đã có những phương án để khắc phục tình trạng này như làm cầu vượt hoặc làm tuyến đường tránh để điều hướng các phương tiện có trọng tải lớn. Nhưng tại Long An, Bến Lức thì chưa. Người đi xe máy vẫn phải nơm nớp đứng chờ đèn đỏ và không thể biết phía sau mình, rất có thể một hung thần đang lao đến.
Nhưng không phải địa phương nào cũng đủ tiềm lực kinh tế để làm đường tránh. Muốn có đường tránh địa phương buộc phải mời doanh nghiệp để xây dựng cầu, đường theo hình thức BOT. Doanh nghiệp phải có lợi nhuận. Họ bỏ tiền ra làm đường tránh thì phải có phương án thu phí nhằm thu hồi vốn.
Tuy nhiên, việc làm đường BOT cũng thường xuyên vấp phải những trở ngại bởi chuyện phản đối thu phí. Vì sự phản đối, đôi khi gay gắt mà không ít địa phương đang chậm chạp, thậm chí tặc lưỡi buông các dự án có thể giải quyết được những điểm đen giao thông.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sự gia tăng phương tiện cực kỳ nhanh. Điều này minh chứng cho tốc độ phát triển kinh tế. Và để đáp ứng được tốc độ này thì việc xã hội hóa làm thêm cầu, đường nhằm tách các luồng phương tiện là giải pháp phải tính tới càng nhanh càng tốt.
Có thể khi thực hiện những dự án BOT, sẽ có những bất cập phát sinh. Nhưng ở góc nhìn toàn diện, đa chiều hơn, phải công bằng nhìn nhận BOT là giải pháp thích hợp nhất cho bài toán giao thông ở Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Chúng ta không thể có được một hệ thống đường sá hiện đại, khang trang và an toàn nhưng lại hoàn toàn miễn phí.
Câu chuyện tại Bến Lức - Long An chắc chắn sẽ còn được nhắc nhiều trên mặt báo. Nhưng điều quan trọng nhất sau vụ tai nạn thảm khốc này, đó là tỉnh Long An cũng như nhiều địa phương khác đang có quốc lộ chạy xuyên qua khu dân cư, họ sẽ phải làm gì, sẽ đưa giải pháp nào căn cơ, lâu dài để hạn chế tai nạn, để người dân không phải nơm nớp lo sợ khi dừng đèn đỏ giữa quốc lộ?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận