"Bé được tìm thấy ở khu vực cabin gần ghế lái. Ra khỏi xe, bé đã bất tỉnh, người tím tái, miệng sùi bọt, các đầu ngón tay rỉ máu", lời một nhân chứng khiến không ai có thể cầm lòng, cảm thương cho cháu bé xấu số.
Chiếc xe đưa đón học sinh là nơi bé trai ở Thái Bình bị bỏ quên, dẫn đến tử vong thương tâm.
Trước khi vĩnh viễn rời xa, chắc hẳn cháu đã cố cầu cứu, gào khóc trong vô vọng đến thế nào. Thực lòng, cũng là bố của những đứa trẻ, tôi không dám tưởng tượng thêm gì nữa.
Với những người không quen biết còn vậy, thử hỏi nỗi đau của người thân cháu bé sẽ lớn tới nhường nào?
Theo cơ quan công an, cháu H ở trong xe 11 tiếng, dưới trời nắng nóng, dạ dày không có thức ăn nên bị suy kiệt, suy hô hấp. Đến nay, công an đã khởi tố vụ án vô ý làm chết người, bắt một cô giáo phụ trách đưa đón trẻ của trường mầm non Hồng Nhung, nơi bé H theo học.
Rồi đây, những ai liên quan, trách nhiệm của cá nhân, nhà trường đến đâu cũng sẽ được cơ quan chức năng làm rõ.
Nhưng nhiều người vẫn không khỏi ám ảnh và đặt câu hỏi về những chi tiết: Cháu bé ngồi ngay đầu xe, sau ghế lái; người lái xe chính xin nghỉ phép một tuần, tài xế Nguyễn Văn Lâm nhận nhiệm vụ đưa đón học sinh từ ngày 22/5… Điều đó đồng nghĩa với việc nếu không có sự tắc trách của những người liên quan, chắc chắn sẽ không xảy ra sự việc đau lòng.
Còn với tài xế mới lái thay được một tuần, rất có thể người này chưa thể quen việc đưa đón trẻ, quy trình kiểm tra xe sau khi giao trả trẻ và trước khi cất xe vào bãi đỗ, giống như như lái xe chính.
Điều đáng nói, hồi chuông vốn đã gióng từ 5 năm trước khi xảy ra vụ một học sinh trường quốc tế Gateway ở Hà Nội cũng tử vong vì bị bỏ quên trên xe. Có nghĩa là hậu quả của việc xe đưa đón học sinh không đảm bảo an toàn ai cũng đã thấy rõ. Nhưng rồi những vụ việc tương tự vẫn cứ xảy ra.
Hiện nay, xe đưa đón học sinh được coi như một loại xe dịch vụ hoạt động trên cơ sở hợp đồng vận tải ký giữa nhà trường và doanh nghiệp vận tải. Các phương tiện được sử dụng là xe chở khách thông thường, không phải xe buýt chuyên dụng chở học sinh (school bus) như ở nước ngoài.
Đặc biệt, việc quản lý xe đưa, đón học sinh đang rất lộn xộn, phân tán, không có quy hoạch, thiếu cơ chế để quản lý chặt chẽ. Các xe đưa, đón học sinh chủ yếu là xe hợp đồng do tư nhân quản lý, xe chạy tự do, đưa đón học sinh không theo một quy định cụ thể nào. Vì thế, nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra như một tất yếu.
Do đó, đã đến lúc cần thiết phải có những quy định cụ thể để quản lý về an toàn, chất lượng phương tiện, người lái với những đặc thù riêng đối với loại hình này.
Được biết, tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cơ quan soạn thảo đã đề xuất nhiều quy định đối với xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non. Điển hình là các quy định như: Niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ; phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn trong suốt chuyến đi. Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh hay trẻ mầm non phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý… Đặc biệt, luật cũng đề xuất gắn trách nhiệm của cơ sở giáo dục khi tổ chức đưa đón học sinh, trẻ em mầm non.
Hy vọng, những quy định trên sớm được thông qua và đi vào cuộc sống. Có như vậy mới hạn chế được những vụ tai nạn đau lòng, ngăn những cái chết oan nghiệt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận