Đang vào cao điểm mùa mưa ở TP.HCM, nguy cơ xảy ra những vụ việc tương tự hoàn toàn có thể xảy ra, ai biết trước được khi nào tai họa giáng xuống đầu mình?
Theo đơn vị chức năng, cây bị gãy nhánh là cây dầu phân loại 3 (có kích thước lớn), rơi từ độ cao khoảng 25m; chu vi nhánh gãy khoảng 1,2m, chiều dài khoảng 10m. Nhánh gãy rỗng bên trong, cành cây vẫn tươi và lá xanh, nhìn bằng mắt thường không phát hiện ra cành cây có vấn đề.
Hiện trường vụ nhánh cây xanh rơi trúng nhóm người lớn tuổi đang tập dưỡng sinh ở Công viên Tao Đàn khiến hai người chết, ba người bị thương. Ảnh: T.T.O
Đáng nói, cây dầu này vừa được chăm sóc gần nhất vào tháng 7/2024. Quan sát hiện trường, đơn vị chăm sóc cây xanh nhận định "cây vẫn đang sinh trưởng, phát triển bình thường".
Cây gãy nhánh, bật gốc, ngã đổ… không phải trường hợp hiếm hoi ở TP.HCM với đặc điểm cây cao; như sao, dầu có thể cao đến 25-30m hoặc hơn. Mùa mưa năm nay từng xảy ra rất nhiều vụ cây xanh ngã đổ làm người đi đường bị thương, xe cộ hư hỏng.
Đơn cử, ngày 14/7, nhánh cây dầu trên đường Ngô Gia Tự (quận 10) bất ngờ gãy đổ, rơi trúng một ô tô 7 chỗ đang lưu thông. May mắn, nhánh cây rơi trúng đuôi xe nên 6 người trên ô tô thoát nạn.
Tháng 4/2023, một cây me cổ thụ ở Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1 bật gốc, khiến 7 người bị thương. Trong số này, có một nạn nhân đang mang thai phải nhập viện; một em học sinh lớp 7 gãy 1/3 xương đùi trái. Và rất nhiều vụ khác.
Cây hỏi đặt ra là: Họ đã có quy trình, công nghệ chăm sóc cây như thế nào? Có máy siêu âm thân cây, có máy cảm biến đo độ rung, độ nghiêng hay không, hay chỉ quan trắc bằng mắt thường? Có hay không trách nhiệm của đơn vị chăm sóc cây?... Dư luận có quyền đặt câu hỏi như vậy, bởi đây không phải là lần đầu tiên có người thiệt mạng, khác chăng là hậu quả nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Theo tiến sĩ La Vĩnh Hải Hà, Trưởng Bộ môn Lâm nghiệp đô thị (Đại học Nông Lâm TP.HCM), hiện nay, việc kiểm tra cây xanh ở TP.HCM chủ yếu thông qua quan sát bằng mắt thường; dựa trên những dấu hiệu mà cây có thể biểu hiện như nấm, côn trùng tấn công, màu sắc, tán lá… để chẩn đoán bệnh. Còn về khoa học kỹ thuật, các trang thiết bị như máy siêu âm để xem độ mục rỗng, cảm biến gắn vào cây để đo độ rung, sức chịu lực, độ nghiêng... vẫn còn hạn chế.
Như vậy, cách gì để cây xanh đô thị vẫn xanh mát, vừa là lá phổi đô thị, vừa tạo cảnh quan mà vẫn bảo đảm an toàn cho người dân?
Một số ý kiến đề xuất, nên chăng những loại cây già cỗi, lâu năm cần được thay thế bằng cây trẻ, loại cây tán rộng, thấp, từ 5m trở lại; loại bỏ những cây có đặc điểm quá cao 20-30m như hiện nay trên các đường 3/2, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Đình Chiểu... Cây thấp khó gãy đổ, lại dễ chăm sóc. Trong điều kiện đô thị bị bê tông hoá và ngày càng có nhiều công trình ngầm, cây có bộ rễ nhỏ phát triển an toàn hơn.
Về những cái chết oan uổng do nhánh cây rơi, cơ quan pháp luật sẽ làm rõ trách nhiệm, bồi thường và cả phân định đó là cái chết "từ trên trời rơi xuống" hay do sự tắc trách của đơn vị chăm sóc cây. Sinh mạng đã mất đi thì chẳng gì có thể bù đắp nổi. Nhưng việc làm sáng tỏ vẫn rất cần, để những người đang sống được an toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận