Xuất khẩu nông sản đạt doanh thu cao tạo động lực giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong 2 quý II và III/2017 (Trong ảnh: Ngư dân Bình Định bán cá ngừ đại dương cho đơn vị xuất khẩu thủy sản) - Ảnh: Vũ Sinh |
Nghi ngờ tăng trưởng dị thường
Không phải đợi tới tháng 11 mà ngay từ thời điểm kết thúc quý III, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ngoạn mục. GS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá tốt, đặc biệt quý III vừa rồi. Cơ cấu kinh tế tăng trưởng ổn định, hướng vào chất lượng, trong đó ngành dịch vụ, chế biến, du lịch tăng cao”. Với diễn biến đó, GS. Nguyễn Quang Thuấn dự báo, mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm 2017 hoàn toàn có cơ sở và rất hiện thực.
Tuy nhiên, chính kết quả lạc quan này lại khiến không ít người hoài nghi. Điều này đã khiến ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê rất bức xúc: “Có người hỏi tôi: Anh Lâm có phải đưa Chính phủ duyệt không? Chúng ta hãy phát ngôn có trách nhiệm. Chúng tôi làm thống kê không phải đưa duyệt. Chính phủ rất tôn trọng số liệu thống kê”.
"Cách mạng Công nghiệp 4.0 vừa tạo cơ hội cho nước đi sau nhưng cũng có nguy cơ bị bỏ lại xa hơn nữa nếu nhỡ tàu, không nắm bắt được cơ hội." Phó Thủ tướng |
Lý giải cho tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc, người đứng đầu ngành thống kê - ông Nguyễn Bích Lâm chỉ ra: Có 3 động lực giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong hai quý vừa qua. Đầu tiên là nông nghiệp, nhờ thời tiết thuận lợi và chuyển đổi cơ cấu tốt. “Hiện, 1 hecta nuôi trồng thủy sản cho giá trị gấp 5 lần trồng lúa. Chuyển đổi nông nghiệp từ trồng rau, quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn thời gian qua diễn ra mạnh mẽ”, ông Lâm phân tích và dự báo, năm nay dự kiến xuất khẩu nông sản sẽ vượt dầu thô và đạt hơn 2 tỷ USD. Tiếp đến là ngành công nghiệp đã có bước phát triển đột biến, nhất là chế biến chế tạo. Còn lại, khu vực dịch vụ thời gian qua cũng phát triển tốt, đóng góp tỷ lệ cao vào tăng trưởng GDP. Dự báo của Tổng cục Thống kê, năm nay ngành Du lịch sẽ đạt 13 triệu khách, tăng mạnh so với các năm trước. Ngoài diễn biến nói trên, ông Lâm cho biết, năm nay sẽ có khoảng 120 nghìn doanh nghiệp được thành lập, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp này đã hoạt động và có doanh thu, theo số liệu ông Lâm nắm được từ cơ quan thuế.
Diễn biến tích cực của nền kinh tế tiếp tục được ghi nhận. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội đến tháng 11 tiếp tục tăng trưởng đồng đều cả 3 khu vực: Kinh tế vĩ mô ổn định; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao, khu vực dịch vụ phục hồi mạnh. Nhiều lĩnh vực tiếp tục xác lập những kỷ lục mới như: Lượng khách du lịch quốc tế, vốn đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu, số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao…
Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia Kinh tế trưởng World Bank cũng đã có đánh giá hết sức lạc quan về kinh tế Việt Nam. Ông Eckardt cho rằng, kinh tế Việt Nam đang ở trạng thái tốt, sụt giảm dầu và sản xuất là có nhưng không tác động đến tổng thể nền kinh tế. “Nền kinh tế Việt Nam có sự chống chọi bền bỉ trong bối cảnh lạm phát thấp và vĩ mô ổn định”, Chuyên gia kinh tế trưởng World Bank nhận xét.
“Không nắm bắt được cơ hội sẽ nhỡ tàu”
Kinh tế Việt Nam đã tạo được đà, nhưng nói như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cách mạng Công nghiệp 4.0 vừa tạo cơ hội cho nước đi sau nhưng cũng có nguy cơ bị bỏ lại xa hơn nữa nếu nhỡ tàu, không nắm bắt được cơ hội. Phó Thủ tướng đặt vấn đề và gợi mở: “Dư địa chính sách tiền tệ tài khoá vĩ mô đã vô cùng chật hẹp trong khi phải giải quyết song song những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế đã tích tụ nhiều năm nhưng lại phải tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Trong bối cảnh đó, Chính phủ phải làm gì? Muốn phát triển nhanh và bền vững không cách gì khác là phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng tái cơ cấu nền kinh tế. Động lực tăng trưởng dựa vào cái gì? Rõ ràng là phải toàn diện trên cả 3 khu vực, nhưng với Việt Nam phải chăng là phải dựa vào nền tảng nông nghiệp phát triển kinh tế nông thôn; coi nguồn lực trong nước là quyết định, nguồn lực nước ngoài là quan trọng; chuyển phương thức tăng trưởng từ khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ sang dựa vào năng suất sáng tạo; tái cơ cấu kinh tế trên 5 trọng điểm. Nếu chọn quá nhiều trọng tâm, trọng điểm sẽ thành mũi nhọn gai mít và cuối cùng không có mũi nhọn nào hết”.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: Phải thay đổi động lực từ khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ sang công nghệ, đó là chỉ số đổi mới công nghệ, nền kinh tế tri thức, số bằng phát minh sáng chế thế giới công nhận… Tất cả cái này phải tham khảo đưa vào chỉ tiêu. Hiện, các địa phương chỉ chú trọng chỉ số GDP không tập trung vào chỉ số môi trường sáng tạo. Nếu không thì không chuyển đổi được.
Mặc dù nhận định, động lực tăng trưởng chất lượng đã xuất hiện trong năm 2017, song Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên dẫn lời Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Muốn giải quyết được vấn đề phải nhìn thẳng vào điểm nghẽn. “Tôi với ông Cung (TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư) rất rõ chuyện này. 5, 7 năm qua ta tái cơ cấu nhưng không hiệu quả, không như mong đợi. Nó làm chậm quá trình. Nay có làm tiếp không? Có lẽ phải tái cơ cấu theo tinh thần khác, cách tiếp cận khác”, GS. Thiên nói. Ông Thiên cũng chỉ ra rằng, động lực nằm ở thể chế, cơ cấu “chứ không thể cứ bơm tiền ra là được”.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch: Không có chuyện hi sinh cái này để được cái kia Khó nhất là giải bài toán kép tăng trưởng cao lại phải tái cơ cấu để phát triển bền vững mà không có chuyện hi sinh cái này để được cái kia. Trí tuệ phải tập trung để giải bài toán này. Phải cải cách đồng bộ thể chế, đồng bộ là cải cách thể chế kinh tế gắn với hành chính công, tài chính công. Kinh nghiệm Quốc hội Khóa 13 làm Hiến pháp mới nhưng thể chế vẫn không vận hành được. Nếu duy trì bộ máy có tính chất hành chính thế này thì không hiệu quả. Việt Nam phải bỏ hết điều kiện kinh doanh thì doanh nghiệp mới phát triển được. Động lực chính vẫn là 3 đột phá chiến lược: Thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Sau 7-8 năm ta làm gì thì tiếp tục chứ không tìm cái mới. Việt Nam đang xây nhà từ móng với 3 kết cấu này nhưng tiếc là nền móng kết cấu chưa ổn. Tôi nhấn mạnh về kinh tế có 2 điểm tâm tư nhiều năm là không phát triển nông nghiệp trên cơ sở công nghiệp hóa nông nghiệp. Về công nghiệp thì quá chậm làm, CNHT không có CNHT thì đừng có nói nội địa hóa.
Chuyển kinh tế Nhà nước sang kinh tế tư nhân Xưa nay, cách mà mình xử sự với Hà Nội và TP HCM như với Yên Bái thì làm mất động lực. Nhưng không phải cứ lấy đất làm đô thị là tạo ra động lực. Động lực tăng trưởng phải bàn tới là gỡ cho Phú Quốc, gỡ cho Vân Đồn để hút vốn nước ngoài đầu tư vào mới tạo ra tăng trưởng. Ý tôi mà phải thay động lực. Ta đã có loạt động lực của 30 năm tốt rồi, nhưng không dùng được nữa. Nên phải thay động lực đi. Những ngành khai thác cũng phải chuyển sang không khai thác tài nguyên; kinh tế Nhà nước buộc phải chuyển sang kinh tế tư nhân. Đừng quen với việc không có kinh tế nhà nước thì chết. Cả mấy tỷ USD đầu tư Phú Quốc hay đầu tư vào sân bay Vân Đồn, cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh… Những cái tư nhân kia có phải đóng góp không? |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận