Đường bộ

Đề nghị ban hành Nghị quyết thu phí sử dụng cao tốc do Nhà nước đầu tư

08/08/2023, 17:35

Bộ GTVT đề nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Lợi lớn nhờ đường cao tốc

Tại Tờ trình gửi Chính phủ về việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, Bộ GTVT cho biết, đường bộ cao tốc có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, là công trình cấp kỹ thuật cao nhất trong hệ thống đường bộ, với quy mô hiện đại, năng lực vận tải lớn, tốc độ cao nên rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng, miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của cả nước và các địa phương nơi có đường bộ cao tốc đi qua.

img

Bộ GTVT cho biết, việc nghiên cứu xây dựng và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là hết sức cần thiết (Trong ảnh: Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn).

Theo Bộ GTVT, so việc lưu thông trên 3 tuyến đường cao tốc đang vận hành là Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với việc lưu thông trên các tuyến quốc lộ song hành, mỗi phương tiện lưu thông trên cao tốc sẽ tiết kiệm khoảng 5.265 đồng/km, trong đó 25% từ tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện và 75% từ tiết kiệm thời gian hàng hóa và hành khách trên đường.

Loại phương tiện thu được lợi ích lớn nhất là xe khách từ 30 ghế trở lên với bình quân ước tính khoảng 12.348 đồng/km, phương tiện thu được lợi ích thấp nhất là xe tải dưới 2 tấn với lợi ích bình quân ước tính khoảng 1.974 đồng/km. Lợi ích bình quân tính theo xe ước tính khoảng 2.868 đồng/PCU/km.

Ngoài ra, đối với người dân, việc di chuyển trên đường cao tốc sẽ giúp giảm thời gian vận chuyển lên tới 60% và giảm chi phí khai thác so với lưu thông trên quốc lộ.

Mặt khác, tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 được Đại hội XIII của Đảng thông qua đã xác định mục tiêu: “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc” trong tổng số 9.014km (41 tuyến) đã được quy hoạch đề ra.

Để thực hiện mục tiêu đó, việc triển khai đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, theo ước tính ban đầu nhu cầu các nguồn vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 813 nghìn tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 393 nghìn tỷ đồng để hoàn thành 2.043km và khởi công 925km đường cao tốc.

Trong thời gian qua, Quốc hội đã thống nhất chủ trương dành nguồn ngân sách Nhà nước để đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc. Trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn chế, Quốc hội đã có yêu cầu nghiên cứu thu hồi nguồn vốn đã đầu tư.

“Đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành, việc nghiên cứu xây dựng và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là hết sức cần thiết nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”, Bộ GTVT nhấn mạnh.

img

Việc thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc là một trong các công cụ, giải pháp để tăng cường công tác quản lý.

Thu phí sử dụng đường cao tốc tạo nguồn lực khai thác hiệu quả

Bộ GTVT cho biết thêm, đường cao tốc có chất lượng cao hơn đường quốc lộ thông thường. Trường hợp không tổ chức thu tiền sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ sẽ có xu hướng tập trung di chuyển trên đường cao tốc.

Điều này dẫn đến lưu lượng phương tiện trên đường cao tốc tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cao, làm giảm vận tốc trung bình lưu thông trên đường cao tốc, làm giảm hiệu quả khai thác đường cao tốc.

Việc thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc là một trong các công cụ, giải pháp để tăng cường công tác quản lý. Ngoài việc cân bằng lưu lượng xe lưu thông trên đường cao tốc và trên đường quốc lộ song hành, khi thu phí sẽ có nguồn lực, điều kiện để thực thi các giải pháp khác như: Kiểm soát tải trọng xe, giám sát và hạn chế các phương tiện xe thô sơ, xe không được phép lưu hành trên đường cao tốc… giúp tăng cường hiệu quả khai thác của đường ca tốc, tăng cường các lợi ích do đường cao tốc đem lại.

Cùng với đó, có nguồn lực để bảo trì nhằm duy trì điều kiện kỹ thuật của tuyến, bảo đảm phương tiện đi lại êm thuận và an toàn giao thông.

Theo số liệu thống kê, những năm qua đối với các tuyến đường bộ do nhà nước quản lý, ngân sách chi bình quân khoảng 830 triệu đồng/km/năm, cơ bản mới đáp ứng được một phần yêu cầu về chi phí để thực hiện các công việc quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì công trình.

Dự kiến đến năm 2025, trường hợp 1.624km đường cao tốc đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước hoàn thành và đi vào hoạt động, nếu cân đối như hiện nay ước tính tổng nhu cầu kinh phí quản lý, bảo trì giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 9.067 tỷ đồng (bình quân 1.813 tỷ đồng/năm).

Bên cạnh đó, việc các phương tiện giao thông chuyển sang di chuyển trên đường cao tốc sẽ dẫn đến phân lưu làm ảnh hưởng đến phương án tài chính của một số dự án BOT hiện có (có thể làm giảm doanh thu của dự án). Khi đó, việc thu phí từ hệ thống đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư sẽ tạo ra nguồn lực để thực hiện các giải pháp chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và Nhà đầu tư.

img

Bộ GTVT đề nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư.

Cần thiết xây dựng cơ chế thu tiền sử dụng dịch vụ cao tốc do nhà nước đầu tư

Qua nhiều nghiên cứu, phân tích, đánh giá cũng như tham khảo từ quốc tế, Bộ GTVT nhấn mạnh: Trước nhu cầu kinh phí lớn cần dành cho hệ thống cao tốc, trên cơ sở lợi ích của đường cao tốc mang lại cho người sử dụng, trong khuôn khổ quy định pháp luật hiện hành, việc xây dựng cơ chế thu tiền sử dụng dịch vụ đường cao tốc trên các tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư để trình Quốc hội xem xét thông qua là hết sức cần thiết.

Từ đó, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết với các nội dung: Cho phép thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư; Cơ chế thu thực hiện theo cơ chế phí.

Đối với số tiền phí thu được sẽ nộp ngân sách Nhà nước và sử dụng theo quy định pháp luật về ngân sách, trong đó ưu tiên sử dụng cho đầu tư, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hỗ trợ các dự án đầu tư đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi phân lưu khi các tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác (so với điều kiện hợp đồng dự án ban đầu).

Cơ chế phân chia nguồn thu phí theo tỷ lệ nguồn vốn đầu tư của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương tham gia dự án đầu tư tuyến cao tốc đó.

Đồng thời, kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Tại Trung Quốc, đến cuối năm 2022, Trung Quốc đã có trên 177.000km đường bộ cao tốc, vốn xây dựng đường cao tốc chủ yếu là vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Trung ương/địa phương; đại đa số các tuyến đường bộ cao tốc ở Trung Quốc là có thu phí, nguồn thu phí này chủ yếu sử dụng cho vận hành và hoàn vốn, một phần sẽ sử dụng tái đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng các tuyến đường mới.

Tại Nhật Bản, từ thập niên 50 tới đầu những năm 2000, việc phát triển đường cao tốc chủ yếu dựa vào hệ thống đường thu phí thông qua các trạm thu phí. Trong giai đoạn đầu, Chính phủ sử dụng ngân sách để phát triển mạng lưới đường bộ, đường cao tốc, đồng thời bảo lãnh cho chính quyền Trung ương và địa phương huy động vốn để xây dựng các dự án đường cao tốc và thu phí để hoàn vốn. Giai đoạn tiếp theo, để huy động hiệu quả hơn nữa các nguồn lực từ khối tư nhân, Nhật Bản đã thành lập Công ty công chính đường cao tốc Nhật Bản (JH). JH thay mặt cho Chính phủ Nhật Bản để thu phí đường bộ và hoàn trả các khoản vốn huy động ban đầu. Doanh thu thu phí của các tuyến đường có lãi được sử dụng để trợ giá chéo cho tuyến đường không có lãi.

Sau khi hệ thống đường cao tốc và đường bộ của Nhật Bản đã được đầu tư và xây dựng đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển, JH đã được tư nhân hóa và tái cấu trúc thành Cơ quan trả nợ và đường cao tốc Nhật Bản (JEDRA) và 6 công ty đường cao tốc. Các Công ty đường cao tốc chịu trách nhiệm xây dựng đường với nguồn kinh phí được huy động từ các khoản vay, JEDRA thì chịu trách nhiệm hoàn trả khoản vay trong vòng 45 năm, với các nguồn thu từ đường bộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.