Đề nghị trưng cầu giám định 39 bút lục
Ngày 7/8, liên quan vụ án cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex Nguyễn Thị Loan và 10 bị cáo khác sắp ra hầu tòa do những sai phạm về đấu giá quyền sử dụng đất ở huyện Đông Anh, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam vừa có kế hoạch giám sát vụ việc khiếu nại, tố cáo của bị cáo Loan và một số doanh nghiệp.
Theo thông tin từ Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cơ quan này sẽ giám sát quá trình tiến hành hoạt động tố tụng đối với các bị can; giám sát việc định giá đất khởi điểm để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đối với dự án ở thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Quá trình giám sát, cơ quan giám sát sẽ làm việc với bị cáo Nguyễn Thị Loan và một số doanh nghiệp để thu thập tài liệu, làm rõ nội dung kiến nghị, tố cáo; đồng thời làm rõ các nội dung liên quan, trách nhiệm quản lý Nhà nước và các vướng mắc cần tháo gỡ.
Đoàn giám sát còn làm việc với Cơ quan điều tra Công an Hà Nội và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố để nắm bắt các thông tin về quá trình điều tra, đánh giá chứng cứ, tiếp cận tài liệu liên quan và đánh giá kết quả việc đưa ra kết luận điều tra, truy tố.
Trong một diễn biến khác, trước khi Tòa án nhân dân Hà Nội mở lại phiên xử vào sáng 9/8, luật sư Trương Quốc Hòe (bào chữa cho bị cáo Loan) đã có đơn đề nghị hoãn xét xử. Mục đích là để đề nghị cơ quan tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định đối với 39 bút lục có liên quan đến chữ ký, chữ viết của nữ bị cáo và 7 bút lục khác liên quan hồ sơ tham gia đấu giá.
Theo luật sư, tại phiên tòa hồi tháng 4, bị cáo Loan cho rằng nhiều tài liệu, chữ ký, chữ viết có liên quan đến bị cáo có dấu hiệu bất thường, cần giám định để kiểm tra tính chính xác.
Trường hợp tòa vẫn tiến hành xét xử, luật sư và bà Loan đề nghị hội đồng xét xử triệu tập thêm một số người liên quan, trong đó có điều tra viên để làm rõ những bút lục nêu trên.
Vì sao tòa trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung?
Cuối tháng 4 vừa qua, TAND Hà Nội đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ một số nội dung như: Giám định chữ ký của bị cáo Loan và xác minh tài liệu liên quan đến điều tra viên Bùi Đức Hiếu; xem xét lại hành vi và tội danh của Trần Công Tuyên; Bùi Thanh Huyền và Nguyễn Thị Cẩm Lê; xem xét trách nhiệm đối với một số cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến hoạt động đấu giá; làm rõ quy trình thẩm định và ban hành chứng thư thẩm định giá.
Tài liệu điều tra bổ sung sau đó kết luận, Nguyễn Thị Loan vẫn khẳng định không liên quan đến việc tham gia đấu giá khu đất ở thôn Cổ Dương. Tuy nhiên, căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được và kết quả làm việc với các luật sư bào chữa cho bị can Loan, cơ quan điều tra xác định các biên bản lấy lời khai và biên bản hỏi cung do điều tra viên Bùi Đức Hiếu thực hiện không bị cắt ghép.
Các bị can Nguyễn Thị Cẩm Lê, Bùi Thanh Huyền, Trần Công Tuyên không thay đổi lời khai. Do đó, nhà chức trách giữ nguyên quan điểm truy tố các bị can Huyền, Lê về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; bị can Tuyên về tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.
Đối với một số cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến hoạt động đấu giá, kết quả điều tra bổ sung cho thấy giữ nguyên quan điểm giải quyết, không xử lý hình sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận