Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị tăng gần 40%
Chiều nay (11/10), tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023.
Về kết quả tiếp công dân, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay, trong năm 2023, có 390.980 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (tăng 37,5% so với năm 2022).
Tổng số người được tiếp là 433.832 người (tăng 41,8%) về 294.622 vụ việc (tăng 33,2%), có 2.929 đoàn đông người (tăng 26,6%)
Cũng theo báo cáo, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện tiếp công dân 143 ngày (đạt 92% số ngày tiếp theo quy định) với 317 lượt công dân được tiếp (gồm tiếp định kỳ, tiếp đột xuất, việc ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân).
Trong đó, trực tiếp tiếp công dân 65 ngày, ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân 78 ngày, chiếm 55% tổng số ngày tiếp đã thực hiện.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện tiếp công dân 793 ngày (đạt 112% số ngày tiếp theo quy định) với 6.749 lượt được tiếp. Trong đó, trực tiếp tiếp công dân 708 ngày, ủy quyền cho cấp phó tiếp 169 ngày, chiếm 21% tổng số ngày tiếp đã thực hiện.
Báo cáo của Chính phủ cũng đánh giá công tác tiếp công dân, việc tiếp công dân của thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước các cấp tiếp tục có chuyển biến tích cực.
Trong đó, hầu hết các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các cấp thực hiện nghiêm túc việc công khai lịch tiếp và trực tiếp tiếp công dân định kỳ hằng tháng.
Đa số cán bộ làm công tác tiếp công dân có tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc, có trình độ nghiệp vụ phù hợp.
Làm rõ lý do lãnh đạo "tiếp công dân ít, ủy quyền nhiều'"
Tuy nhiên, báo cáo nêu rõ, việc thực hiện tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu một số cơ quan hành chính chưa đảm bảo so với quy định của luật.
Một số vụ việc chưa được chính quyền địa phương quan tâm, xem xét xử lý ngay từ cơ sở, dẫn đến có nguy cơ diễn biến phức tạp.
Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, qua xem xét số liệu trong báo cáo cho thấy việc chấp hành quy định của pháp luật về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của chủ tịch UBND cấp tỉnh có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, việc thực hiện quy định về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa đạt yêu cầu (chỉ đạt 45%) và cũng mới chỉ đạt 92% số ngày tiếp theo quy định.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ lý do của việc bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ "tiếp ít, ủy quyền nhiều".
Ngoài ra, trong báo cáo gộp số ngày thủ trưởng cơ quan các cấp trực tiếp tiếp với số ngày ủy quyền cho cấp phó tiếp để đánh giá về việc chấp hành quy định của pháp luật về số ngày tiếp công dân của thủ trưởng cơ quan là chưa bảo đảm đúng theo quy định Luật Tiếp công dân.
Cùng với đó, chưa phản ánh chính xác trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc trực tiếp tiếp công dân.
Nêu ý kiến sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ và công khai thông tin các đơn vị nào mà người đứng đầu không trực tiếp tiếp công dân, kể cả cấp tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng các ngành. Đồng thời, công khai báo cáo Quốc hội.
"Nếu chúng ta có địa chỉ, công khai thì tình hình năm sau sẽ chuyển biến tích cực", bà Nga nêu rõ.
Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị bổ sung rõ địa chỉ cụ thể cá nhân, cơ quan, đơn vị chưa trực tiếp tiếp công dân để xác định trách nhiệm, có chế tài xử lý thích hợp. Từ đó, giúp cho công tác này có chuyển biến tích cực, thực chất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận