Sở GTVT TP.HCM yêu cầu các đơn vị liên quan, cung cấp hồ sơ pháp lý liên quan đến tuyến đường ven sông Sài Gòn đoạn từ cầu Thủ Thiêm 2 đến cầu Kinh Thanh Đa. Việc này nhằm tổ chức giao thông, giảm ùn tắc trong quá trình thi công sửa chữa cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.
Sở GTVT TP.HCM đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, rà soát, cung cấp pháp lý về giao đất và các vấn đề liên quan đối với các dự án tiếp giáp đường ven sông Sài Gòn đoạn từ cầu Thủ Thiêm 2 đến cầu Kinh Thanh Đa.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND quận 1, quận Bình Thạnh rà soát, cung cấp pháp lý liên quan đến phê duyệt đồ án quy hoạch các dự án tiếp giáp đường ven sông Sài Gòn.
Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT) nghiên cứu các giải pháp tổ chức giao thông trên đường ven sông Sài Gòn (đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Thủ Thiêm) trong trường hợp dỡ bức tường giữa hai dự án Saigon Pearl và Vinhomes.
Theo ghi nhận của Báo Giao thông, ngày 14/11, bức tường cao 2,5 m ngăn hai dự án khu dân cư Vinhomes và Saigon Pearl (quận Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn giữ nguyên hiện trạng.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, UBND quận Bình Thạnh làm việc cụ thể với chủ đầu tư dự án Saigon Pearl và Vinhomes liên quan đến bức tường này.
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ - Sở GTVT TP.HCM cho biết bức tường ngăn đường ven sông hiện do chủ đầu tư dự án Saigon Pearl quản lý.
“Quan điểm của Sở GTVT là làm sao có thêm phương án tổ chức giao thông ở khu vực cầu Nguyễn Hữu Cảnh đảm bảo an toàn, tăng cường lưu thông. Tuy nhiên, cần phải rà soát tính pháp lý và được sự đồng ý trực tiếp của hai đơn vị này”, ông Hải nói.
Theo Quyết định số 22/2017/QĐ-UBND ngày 18/4/2017 của UBND TP.HCM, chiều rộng hành lang bảo vệ trên bờ đối với sông Sài Gòn là 50 m mỗi bên.
Tuy nhiên, tại tuyến đường ven sông dài 600 m đi qua dự án Saigon Pearl (quận Bình Thạnh) đang tồn tại nhiều công trình án ngữ mặt sông, khiến tuyến đường ven sông Sài Gòn bị chia cắt.
Bờ sông Sài Gòn đoạn qua quận Bình Thạnh bị nhiều công trình án ngữ, chia cắt tuyến đường ven sông.
Đường Trần Trọng Kim từ dạ cầu Sài Gòn đến bức tường ngăn giữa Vinhomes và Saigon Pearl dài gần 1km rộng từ 4 - 6 làn xe được tính toán phá bỏ, thông tuyến đường ven sông, giúp giảm ùn tắc khu vực thi công sửa chữa cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.
Bức tường cao khoảng 2,5 m, hiện do chủ đầu tư dự Saigon Pearl quản lý. Đoạn giữa có một cửa để ra vào Trường song ngữ quốc tế, cuối đường này là văn phòng của khu dân cư.
Khi cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh gặp sự cố đứt cáp ngầm từ tháng 9/2022, các phương tiện chọn lưu thông vào đường Trần Trọng Kim, đến vòng xoay rẽ phải ra đường Nguyễn Hữu Cảnh quay đầu hướng vào quận 1, giao thông khu vực này thường xuyên ùn ứ vào buổi chiều.
Phần đường ven sông Sài Gòn đoạn qua dự án Saigon Pearl trồng nhiều cây xanh, khuôn viên chiếm trọn bờ sông Sài Gòn.
Tuyến đường hai khu dân cư đang sử dụng riêng là công trình công cộng, không phải đường nội bộ. Tuy nhiên, đường đang được chủ đầu tư hai khu dân cư duy tu, bảo dưỡng và quản lý nên thành phố chưa yêu cầu bàn giao.
Khu vực này cũng được quy hoạch bến thuỷ đế đón khách, nhưng đến nay không có đường kết nối xuống sông.
Sát vách tường ngăn hai dự án là bãi đỗ xe của trường song ngữ quốc tế.
Phía tiếp tiếp với bờ sông Sài Gòn
Dọc sông Sài Gòn từ cầu Thủ Thiêm 2 đến cầu Kinh Thanh Đa hiện đang bị nhiều công trình, dự án của các nhà đầu tư án ngự, chiếm hết lối ra bờ sông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận