Ngày 7/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai đi kiểm tra công trình thủy lợi Đắk N’ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong) và có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông để đánh giá nguyên nhân và đưa ra giải pháp xử lý tình trạng sạt lở.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (bìa phải) cùng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai đã đi kiểm tra công trình thủy lợi Đắk N’ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong). Ảnh: N.H
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, từ 28/7 đến nay, tại Đắk Nông có mưa lớn, gây ra ngập lụt, sạt lở đất. Lũ lụt làm nhiều công trình hạ tầng, cây trồng, vật nuôi bị cuốn trôi. Các địa phương đã di dời 283 hộ dân tại các điểm sụt lún, sạt trượt đến nơi an toàn. Tổng thiệt hại tỉnh Đắk Nông phải gánh chịu vào khoảng 250 tỷ đồng.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của mưa lũ, ngày 2/8, tại Km 1900+350 đến Km 1900+650, đường Hồ Chí Minh qua TP Gia Nghĩa xảy ra sạt lở mái taluy âm, chiều dài khoảng 300m. Phạm vi cung trượt mở rộng bao đến mép ngoài phần đường chính trái tuyến (bao trùm hết phần dải phân cách bên, đường gom, vỉa hè). Hiện, TP Gia Nghĩa đã di dời khẩn cấp 16 hộ dân phía dưới điểm sạt lở đến nơi an toàn.
Cùng với đó, dự án hồ thủy lợi Đắk N’Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong), khu vực bon Bu Krắc và bon Bu Prăng (xã Quång Trực, huyện Tuy Đức), tuyến đường tránh Gia Nghĩa (đoạn qua tổ dân phố 4, phường Nghĩa Tân) đã xảy ra sụt lún, sạt lở nghiêm trọng.
Đập thủy lợi Đắk N’ting có nguy cơ bị vỡ (Ảnh: N.H).
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, vừa qua Tây Nguyên xuất hiện thời tiết cực đoan, tổng lượng mưa rất lớn khoảng gấp 2-2,5 lần so với lượng mưa hằng năm. Trong đó, yếu tố mưa và tác động của con người, đang tạo ra tổ hợp bất lợi, dẫn đến sạt lở khá nhiều điểm khác nhau ở Tây Nguyên. Riêng tại Đắk Nông, công trình thủy lợi Đắk N’ting có nguy cơ vỡ, do đó Đắk Nông cần tính toán để có các giải pháp, ứng phó.
“Đối với sự cố sạt lở, đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông phải công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai để có phương án khẩn cấp, tình huống khẩn cấp để ứng phó. Đặc biệt, tình trạng sụt lún tại hồ thủy lợi Đắk N’Ting, cần tính toán đến kịch bản vỡ đập.
Thời điểm này, Đắk Nông phải tính toán, nếu đập vỡ 2 triệu m3 nước đổ xuống hạ du thì đường đi của dòng nước như thế nào? Di dân như thế nào đều phải tính toán kĩ.
Đồng thời, Đắk Nông phải cho khoan thăm dò địa chất ngay, khảo sát tổng thể các khu vụ sụt lún để tìm kiếm nguyên nhân. Cùng với khoan thăm dò phải quan trắc để xác định nguyên nhân chính xác mới đưa giải pháp khắc phục ổn định. Dự kiến đến cuối tháng 8 sẽ có đợt mưa rất lớn, chúng ta chỉ còn 15 ngày để khắc phục chứ không sẽ rất nguy hiểm”, Thứ trưởng Hiệp nhấn mạnh
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai để có phương án ứng phó (Ảnh: N.H).
Cũng theo Thứ trưởng Hiệp, Đắk Nông cần đảm bảo số lượng và chất lượng rừng tự nhiên. Hiện nay, Tây Nguyên bình quân mỗi năm mất đi từ 5-7 nghìn ha rừng, nếu rừng và chất lượng rừng ngày càng giảm thì hậu quả khó lường.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, tại hồ thủy lợi Đắk N’Ting, hiện nay cung trượt vẫn tiếp tục dịch chuyển gây ảnh hưởng đến hệ thống công trình. Các vết nứt cũ đã có hiện tượng mở rộng, sạt trượt hơn so với những ngày trước.
Theo số liệu quan trắc, do ảnh hưởng liên tục của cung trượt, áp lực đất phía đồi ngày càng đè nén vào tràn xả lũ làm bên vai trái tràn xả lũ bị nứt. Việc chuyển vị trí và dịch chuyển nêu trên gây thêm nứt gãy bê tông mái thượng, hạ lưu tràn.
Ngoài ra, mái bê tông thượng lưu đập đất tiếp giáp tràn đã có hiện tượng nứt gãy, chia cắt, với vết nứt kéo dài từ chân đập lên đỉnh khoảng 25m, chiều rộng vết nứt có chỗ lên tới 3cm. Hiện, UBND huyện Đăk G’long đã di dời 34 hộ với 175 nhân khẩu vùng hạ du đến nơi an toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận