UBND quận Hoàng Mai vừa có công văn gửi UBND TP Hà Nội về việc triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2,5 (đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A).
Dự án xây dựng đường Vành đai 2,5 nói trên được Liên danh Công ty Cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và Đô thị Hà Nội và Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà (Công ty Hoàng Hà) đầu tư theo Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Hợp đồng BT), có thời hạn đến hết 30/6/2018.
Theo báo cáo của nhà đầu tư, đến thời điểm này dự án đã thi công cống thoát nước thải, thoát nước mưa, cống hợp 2x(3x2)m (phường Khương Đình); Thi công cống thoát nước thải, thoát nước mưa, một số đoạn cống, nền đường đường thoát nước mưa… và trụ cầu, dầm cầu L3.
Theo UBND quận Hoàng Mai, dự án triển khai đã nhiều năm. Trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc gây chậm tiến độ, mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường, tiềm ẩn tai nạn giao thông...
Mặt khác, dự án đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng đang khẩn trương triển khai thi công theo tiến độ. Dự án đường Vành đai 2,5 chậm tiến độ sẽ không đấu nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật làm ảnh hưởng đến thời gian đưa dự án vào sử dụng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của quận Hoàng Mai và khu vực.
Từ đây, UBND quận Hoàng Mai đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, chỉ đạo nhà đầu tư tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Chiều nay 30/10, trao đổi với Báo Giao thông về đề xuất trên, ông Nguyễn Anh Đức, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, đã nhận được đề xuất của quận Hoàng Mai và tới đây phía chủ đầu tư sẽ tiếp tục đề xuất TP.
"Công trình sau gia hạn lại hết hạn, để tiếp tục được thi công khi tiến độ chưa hoàn thành sẽ phải xin gia hạn mới làm được các công việc tiếp theo. Do quận Hoàng Mai chậm bàn giao mặt bằng nên nhà thầu không có mặt bằng thi công. Đến nay vẫn còn 14 hộ và phải hai phương án giải phóng mặt bằng nữa mới xong", ông Đức cho hay.
Dự án đường Vành đai 2,5 được thành phố Hà Nội cấp chứng nhận đầu tư năm 2013, thực hiện theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT), chỉ định chủ đầu tư.
Dự án 10 năm chưa thực hiện xong nhưng dự án đối ứng là Dự án Khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công (KĐT Đại Kim - Định Công) đã bán nhiều năm nay.
Về việc chủ đầu tư (Công ty Hoàng Hà) nợ thuế nhưng vẫn được triển khai thực hiện dự án, đại diện Cục Thuế TP Hà Nội xác nhận: Năm 2021 Công ty Hoàng Hà nợ ngân sách Nhà nước và Cục thuế đã thực hiện cưỡng chế nợ thuế theo quy định.
Theo quy định tại tiết d Khoản 4 Điều 34 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020, khi phát sinh doanh thu trong thời gian cưỡng chế, các đơn vị thực hiện nộp ít nhất 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng vào ngân sách Nhà nước, phần còn lại để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được liên tục; Không yêu cầu thu 100% doanh thu trên hóa đơn xuất lẻ trong thời gian cưỡng chế.
"Trong quá trình thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế, Công ty Hoàng Hà vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty có phát sinh doanh thu trong thời gian cưỡng chế và đề nghị cơ quan thuế giải quyết thủ tục xuất hóa đơn theo từng lần phát sinh để khắc phục các tồn tại của dự án. Công ty đã thực hiện nộp tiền thuế vào ngân sách Nhà nước để được cấp hóa đơn theo từng lần phát sinh theo quy định", đại diện Cục Thuế TP Hà Nội thông tin.
Riêng đối với việc huy động vốn tại dự án KĐT Đại Kim - Định Công, Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, hoạt động huy động vốn của Công ty Hoàng Hà không thuộc thẩm quyền của cơ quan thuế. Theo quy định của Luật Quản lý thuế, người nộp thuế tự kê khai và tự chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình. Trường hợp Công ty Hoàng Hà có Hợp đồng huy động vốn đúng pháp luật, cơ quan thuế sẽ giám sát hồ sơ khai thuế và xử lý vi phạm (nếu có) của đơn vị theo quy định.
Đối với việc xây dựng rào bê tông trên đường Vành đai 2,5 khi hết thời hạn hợp đồng BT, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, quận đã yêu cầu nhà đầu tư tháo dỡ ngay rào bê tông này do ảnh hưởng đến giao thông, mất vệ sinh, ảnh hưởng an ninh trật tự. Tuy nhiên đến nay, rào bê tông dài khoảng 400m giữa đường Vành đai 2,5 vẫn tồn tại gây bức xúc dư luận.
Ngày 27/10, UBND TP Hà Nội yêu cầu nhà thầu tháo dỡ ngay các hàng rào gây ảnh hưởng tới việc đi lại của nhân dân, làm hạn chế tầm nhìn của người tham gia giao thông, giải toả bãi đỗ xe tự phát, điểm tập kết rác để đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh, trật tự xã hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận