Thị trường

Đề nghị giảm 30% giá điện cho DN logistics, tạm dừng thanh kiểm tra

20/08/2021, 17:18

Đó là những góp ý từ các hiệp hội vào Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 của Chính phủ đang lấy ý kiến.

Đề nghị giảm giá 30% giá điện

Chính phủ vừa có dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 để lấy ý kiến, với quan điểm đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp với phương châm "sớm nhất - hiệu quả nhất".

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), góp ý vào Dự thảo lần này, Vitas đặc biệt quan tâm đến những hỗ trợ về cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.

img

Đề nghị giảm giá điện cho các DN logistics, ngành hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Về phương án giảm giá điện, Vitas cho rằng, Dự thảo Nghị quyết viết không đầy đủ và rõ ràng tại điểm c: "Bộ Công thương: Nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2021 về việc giảm giá điện cho các kho chứa hàng hoá của các doanh nghiệp logistics, chế biến nông, lâm, thuỷ sản và một số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ USD".

Do đó, Vitas đề nghị quy định rõ: "... Về việc giảm giá điện cho các kho chứa hàng hoá của các doanh nghiệp logistics, cho chế biến nông, lâm, thuỷ sản và cho một số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ USD".

Đồng thời, đề nghị giảm giá 30% giá điện cho những doanh nghiệp nêu trên cho đến hết năm 2021.

Đưa ra lý do, theo Vitas: "Có như vậy mới đúng tinh thần của Bộ trưởng Bộ Công thương tiếp thu kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp trong hội nghị đối thoại với Thủ tướng ngày 8/8/2021".

Bên cạnh đó, Vitas cũng đề nghị được ghi nhận ý kiến của hiệp hội vào trong dự thảo Nghị quyết với yêu cầu: "Thành phố Hải Phòng dừng thu phí cảng biển đến 31/12/2021 và nghiên cứu giảm 50% cho năm 2022. Còn TP.HCM sẽ hoãn áp dụng thu phí cảng biển cho đến 30/6/2022...

Cần tạm dừng thanh kiểm tra cho đến khi hết dịch

Phản ánh tới Báo Giao thông, ông Hà Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng doanh Nghiệp nông Nghiệp Việt Nam, kiêm Chủ Tịch Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Ninh Bình cho biết, lần bùng dịch lần thứ 4 này ảnh hưởng rất nặng nề và nghiêm trọng đến sức khỏe của doanh nghiệp (DN) cũng như cả nền kinh tế Việt Nam.

Chưa kể, xáo trộn cả một hệ thống kinh tế, đánh đổ hết kế hoạch, khó dự báo do nguồn lực lao động cũng bị tác động mạnh khi nhiều lao động tháo chạy khỏi các vùng kinh tế.

Do đó, theo ông Tuấn Anh, đây là thời điểm chúng ta cần quan tâm hơn đến vấn đề “sách nhiễu doanh nghiệp – điều làm giảm niềm tin, động lực, mất thời gian của DN”.

Bên cạnh các kiến nghị như giảm, giãn thuế, giảm lãi suất ngân hàng, ông Tuấn Anh cho biết, phần lớn DN đều mong muốn Chính phủ cần ban hành quy định giảm sách nhiễu, thậm chí tạm dừng ngay thanh kiểm tra thủ tục hành chính, kiểm tra thuế các doanh nghiệp cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát, việc sản xuất kinh doanh trở lại bình thường (trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự) .

Ngoài ra, cũng theo vị Phó Chủ tịch, trong điều kiện dịch bệnh, nền kinh tế sa sút mạnh, Chính phủ không nên tiếp tục giao Bộ Tài chính nghiên cứu giải pháp tăng thu giảm chi. “Vậy, thu ở đâu? Lại quay về là gánh nặng thuế lên doanh nghiệp - là vòng luẩn quẩn”, vị này đặt câu hỏi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.