ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) |
Thảo luận tại hội trường, đa số các ĐB tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật tổ chức chính quyền địa phương, bởi điều này không chỉ nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại của Luật tổ chức HĐND và UBND sau 11 năm thi hành, mà còn nhằm cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp và chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nhằm nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương.
Trước đó, liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương xây dựng 2 phương án:
Phương án 1: Không tổ chức HĐND quận, phường. Theo đó, ở quận, phường trên địa bàn đô thị không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức UBND. Trong khi đó, đối với địa bàn nông thôn vẫn có đủ các cấp chính quyền ở huyện, xã.
Phương án 2: HĐND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính nhưng có đổi mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND các cấp.
Bàn về hai phương án này, theo ĐB Danh Út (Kiên Giang), tại các Điều 110 và 111 Hiến pháp 2013 đã quy định, Chính quyền địa phương gồm UBND và HĐND được tổ chức ở các cấp. "Tôi cho rằng, mô hình Chính quyền địa phương, xây dựng Chính quyền địa phương đô thị cần tuân thủ theo Hiến pháp”, ĐB Danh Út nói và cho rằng, UBND và HĐND đều không có thiết chế để tồn tại độc lập.
Theo phương án 1 của dự thảo cũng không đúng với quy định tại Điều 6 của Hiến pháp là nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.
Cùng quan điểm này, ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) cho rằng, việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường ở đô thị đã có 4 năm thực hiện thí điểm nhưng đến nay việc xác định các tiêu chí trong 2 phương án vẫn chưa rõ. Trên cơ sở này, ĐB tỉnh Bắc Kạn đề nghị, mô hình tổ chức chính quyền địa phương phải đảm bảo nguyên tắc: ở đâu có quyền lực, phải có kiểm soát quyền lực. Nghĩa là ở đâu có UBND thì phải có HĐND.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) thậm chí còn tỏ ra gay gắt khi cho rằng, chúng ta không nên và đừng bao giờ quên HĐND với tư cách là cơ quan dân cử đại diện cho nhân dân là thành quả của nền dân chủ, tất cả các nước người ta đều làm.
"Nước nào trước đây không có HĐND, bây giờ người ta đang chuẩn bị làm HĐND, trong khi ta thì lại bỏ đi. Tôi đề nghị lần này thảo luận Luật tổ chức chính quyền địa phương thì cũng là lúc chúng ta tuyên bố, chấm dứt cuộc thí điểm không tổ chức HĐND”, ĐB tỉnh Nam Định nêu quan điểm.
Cùng với các ý kiến đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức HĐND ở cấp quận, phường như hiện nay, nhiều ĐB cũng đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ các căn cứ của việc đưa ra 2 phương án có hay không có HĐND cấp quận, phường. Những căn cứ đó, phải mang tính khoa học để thuyết phục hơn. Bởi việc tổng kết, thực hiện thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường thời gian qua chưa đủ khẳng định kết quả vì thiếu cơ sở lý luận. Về mặt thực tiễn cũng chưa đủ sức thuyết phục cho việc bỏ HĐND ở cấp quận phường.
Tiến Minh - Lê Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận