Có tình trạng người lao động phải nộp tiền xét nghiệm
Sáng 21/12, tiếp tục phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 11 của Quốc hội.
Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Dương Thanh Bình
Tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri kiến nghị Chính phủ có giải pháp về tăng cường nhân lực, vật tư và trang thiết bị y tế cho các địa phương, quan tâm đến hệ thống y tế cơ sở; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.
Đồng thời, tăng mức độ bao phủ tiêm chủng cho toàn dân để người dân được an tâm đi làm việc trở lại, các cháu học sinh được đi học đến trường.
Ông Dương Thanh Bình cũng nêu rõ, tình hình dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài, ảnh hưởng trên tất cả các mặt đời sống xã hội. Trong đó, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là người lao động có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo.
Do đó, cử tri kiến nghị Chính phủ sớm triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm ổn định đời sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, nhiều nội dung hiện dư luận rất quan tâm cần rà soát, tổng hợp đưa vào báo cáo.
Theo ông Tùng, đó là tình trạng hàng ngàn người mắc Covid-19 ở TP.HCM đang điều trị tại nhà chưa được được giải quyết chế độ bảo hiểm chì vì yêu cầu phải có giấy xin nghỉ ốm.
"Bối cảnh cụ thể họ là F0, cả phường, xã đều biết thì có nhất thiết máy móc phải xin giấy nghỉ ốm hay không? Hay thay vào đó trạm y tế đóng dấu xác nhận F0 thay cho nghỉ ốm có được không? Rất nhiều người kinh tế khó khăn mà thanh toán bảo hiểm không được kịp thời gây bức xúc", ông Tùng phản ánh.
Hoặc tại Bình Dương có tình trạng người lao động phải trả đến 4,5 triệu đồng tiền xét nghiệm, gần hết cả tháng lương. Đây là vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm, báo chí phản ánh, hiện cơ quan chức năng vào cuộc, thì cần công khai thông tin, minh bạch trong giải quyết.
Ông Tùng đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề dư luận đang bức xúc về thổi giá kit xét nghiệm Covid-19 mà cơ quan điều tra đang xử lý theo quy trình tố tụng. Theo đó, báo chí, dư luận rất quan tâm chất lượng kit xét nghiệm có đáp ứng chuyên môn hay không, trách nhiệm cơ quan liên quan, kể cả một số bộ về vấn đề này.
"Chưa nói sai - đúng nhưng rất nhiều địa phương đấu thầu giá kit xét nghiệm rất cao", ông Tùng nhấn mạnh.
Cung cấp những vấn đề dư luận, cử tri quan tâm
Cho ý kiến về báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sắp tới Quốc hội họp kỳ họp bất thường thứ nhất nên không tiếp xúc cử tri, nhưng đề nghị qua nhiều kênh cần chủ động nắm bắt, theo dõi ý kiến, nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước, nhất là về những vụ việc đang nổi cộm như thiệt hại do bão lũ; việc khắc phục khó khăn về sinh kế cho người dân...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động đến nay có gì tiến bộ, bất cập gì hay kết quả sơ bộ ra sao? Tính công khai, minh bạch, phòng chống tiêu cực trong phòng chống dịch, như giá kit xét nghiệm.
Từ những phân tích trên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên chăng Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban qua giám sát cung cấp thông tin để Ban Dân nguyện tổng hợp, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội có báo cáo cung cấp thông tin tới đại biểu Quốc hội đối với vấn đề nổi lên được dư luận nhân dân và cử tri quan tâm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung tình hình chung liên quan thanh toán bảo hiểm cho F0, việc người lao động phải trả tiền xét nghiệm giá cao, giá xét nghiệm và vụ việc xung quanh giá xét nghiệm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận