Nội dung này được đề cập trong công văn Bộ Tài chính gửi các địa phương đề nghị phối hợp chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Theo Bộ Tài chính, đoàn liên ngành sẽ nắm bắt thực tế việc triển khai phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng; thực tế hạ tầng kỹ thuật, mức độ, khả năng đáp ứng việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng của tất cả các cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu tại địa phương.
Đoàn cũng làm việc với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp để tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, thành phố các biện pháp đồng bộ, hiệu quả thúc đẩy các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thực hiện được việc phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng theo quy định tại Nghị định 123 và chỉ đạo của Thủ tướng. Từ đó, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện.
Bộ Tài chính cũng đề nghị chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Công thương, cơ quan quản lý thị trường phối hợp với công an tỉnh và các cơ quan liên quan thực hiện giám sát chặt chẽ, tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu của các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
Trước đó, ngày 1/12, Thủ tướng có công điện về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế trong tháng 12/2023. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện sẽ bị kiểm tra, xử lý.
Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế hiện, chỉ có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) áp dụng hóa đơn điện tử với hơn 2.700 cây xăng. Bộ Công thương cho hay doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) hay Công ty Xăng dầu Quân đội (Mipecorp) vẫn trong quá trình nghiên cứu giải pháp kỹ thuật. Còn lại các doanh nghiệp khác chưa áp dụng do các chi phí đầu tư có thể lên tới hàng trăm triệu đồng và thời gian thực hiện phải mất 1-3 năm.
Trong quý 1/2024 cả nước ước tính khoảng 1.500 cửa hàng phải thực hiện ngay nếu đưa quy định hóa đơn điện tử là một trong những điều kiện với cửa hàng bán lẻ xăng dầu khi cấp lại. Theo Bộ Công thương, việc này có thể dẫn tới số lượng lớn cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải ngưng hoạt động, gây đứt gãy nguồn cung xăng dầu trên thị trường do việc đầu tư cần số tiền lớn.
Theo tính toán, doanh nghiệp cần khoảng 300 triệu đồng để mua phần mềm, thay thế cột bơm và phần cứng bộ tính đo đếm tại mỗi cột bơm xăng dầu. Nếu mỗi cửa hàng 3-4 cột bơm, chi phí lên đến tiền tỷ. Do đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị cần đánh giá lại vì còn rất nhiều vướng mắc cần phải bàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận