Xã hội

Đề nghị Thường vụ Quốc hội xem lại việc "hạn chế báo chí "

13/07/2017, 13:41

Nhiều vị nguyên là lãnh đạo Văn phòng Quốc hội đề nghị Thường vụ Quốc hội xem lại việc "hạn chế báo chí".

hop-thuong-vu-quoc-hoi

Theo thông tin tử VPQH, từ phiên họp thứ 12, báo chí sẽ không được tham dự tường thuật phiên họp của Uỷ ban TVQH mà chỉ được dự 5 phút đầu, sau đó sẽ có thông cáo báo chí chung gửi các báo

Liên quan đến quy định từ nay về sau, báo chí sẽ không được tham dự và tường thuật tại các phiên làm việc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mà chỉ được vào dự 5 phút đầu, một số vị nguyên là lãnh đạo Văn phòng Quốc hội đều tỏ ra rất băn khoăn.

 Không có lý do gì để hạn chế báo chí

Trao đổi với Báo Giao thông, một vị nguyên là lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, người đã đóng góp rất nhiều công sức trong việc tham mưu đổi mới hoạt động của Quốc hội, trong đó có việc Quốc hội và Thường vụ Quốc hội mở cửa với báo chí, cho rằng Quốc hội cũng như Thường vụ Quốc hội nên tiếp tục phát huy việc đổi mới. Bởi lẽ nhân dân, cử tri đang kỳ vọng và cần được biết những thông tin xung quanh hoạt động của cơ quan dân cử.

“Những người tiền nhiệm trước đây đã dày công nghiên cứu, đưa ra đề xuất để thực hiện, giờ đã trở thành nề nếp rồi thì nên hoàn thiện hơn, chứ đừng làm thụt lùi", vị này nhấn mạnh.

Trong khi đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận nhắc lại quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội, theo đó quy định Quốc hội họp công khai. Những phiên Quốc hội họp kín cũng phải đảm bảo đủ các điều kiện đã quy định trong Luật mới được họp kín.

Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội, vì vậy Ủy ban thường vụ Quốc hội đương nhiên cũng phải họp công khai. Đây là lý do tại sao Điều 4 Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định: “1. Hoạt động của UBTVQH được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng; 2. Các cơ quan báo chí được tham dự, đưa tin về các hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại khu vực dành riêng cho báo chí…”.

“Quốc hội luôn chủ trương công khai, minh bạch, vậy thì hoạt động của các cơ quan dân cử nên được phổ biến rộng rãi chứ không có lý gì mà tự nhiên lại đi hạn chế. Tất cả những vấn đề lớn, ảnh hưởng đến đất nước đều cần công khai để có sự giám sát của báo chí và nhân dân. Nghị quyết của BCH T.Ư khuyến khích nhân dân và các tổ chức xã hội thực hiện quyền phản biện và giám sát, nhưng muốn phản biện, giám sát được thì phải có thông tin, muốn có thông tin thì phải công khai. Thông tin hạn chế làm sao phản biện được? Vì vậy tôi cũng băn khoăn không biết việc hạn chế báo chí thế này có phù hợp với Nghị quyết của Ban chấp hành T.Ư không?", ông Thuận chia sẻ.

Theo ông, hạn chế hoạt động của báo chí đồng nghĩa vói việc cử tri sẽ không thể biết người được mình bầu ra làm gì, thể hiện tiếng nói của cử tri thế nào trên diễn đàn Quốc hội. “Tiếng nói của đại biểu dân cử mà chỉ trong phòng kín, không được công khai thì không có ý nghĩa gì hết”, ông nhấn mạnh.

Băn khoăn về tính minh bạch

Nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu cũng nhận định, trong khi mọi hoạt động đưa tin của báo chí đối với các hoạt động của Quốc hội hay Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đang liền mạch mà đưa ngay ra quy định hạn chế báo chí thì hơi “sốc”.

“Lâu nay cử tri đang rất phấn khởi, kỳ vọng Quốc hội, Thường vụ Quốc hội sẽ công khai mọi hoạt động cho nhân dân biết và chia sẻ, giám sát, nên đề nghị Thường vụ xem xét lại quy định này, cần cho cử tri theo dõi để có thông tin nhiều chiều, hiểu hơn về hoạt động của Quốc hội”, bà Thu nói.

Bà cũng chia sẻ, sau khi nghỉ hoạt động ở Quốc hội, với tư cách là cử tri, bà thấy quan tâm đọc, xem, nghe những thông tin nhiều chiều về hoạt động của Quốc hội cũng như Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Và nếu không được tiếp tục theo dõi, bà cùng những cử tri khác sẽ rất buồn và hụt hẫng.

“Ngoài những nội dung bí mật liên quan đến quốc gia, an ninh, quốc phòng hay các vấn đề nhạy cảm về chính sách đối ngoại, các phiên họp khác của Thường vụ Quốc hội không nên hạn chế báo chí. Nếu nói vì có báo chí dự mà ngại phát biểu thì thật kỳ lạ. Đã là đại biểu của dân, việc có ý kiến tranh luận khác nhau là bình thường, còn cứ đưa ý kiến xuôi chiều thì có gì đâu để mà nói?

Đã nói tiếng nói của dân thì không có gì phải sợ khi phát biểu, còn có những khi không muốn báo chí đưa tin thì có thể đề nghị báo chí không đưa, tôi tin báo chí sẽ tôn trọng và hợp tác”, bà Thu phân tích và nhấn mạnh, trong khi Quốc hội khẳng định chủ trương ngày càng minh bạch, dân chủ và gần dân mà đưa ra quy định hạn chế báo chí như vậy sẽ khiến nhiều người băn khoăn về tính minh bạch trong hoạt động của Quốc hội.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, từ phiên họp thứ 12 trở đi, báo chí sẽ không được dự tường thuật các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mà chỉ được vào 5 phút đầu. Sau đó, mỗi ngày sẽ có 2 bản thông cáo báo chí thể hiện đầy đủ nội dung và kết luận về vấn đề được thảo luận gửi cơ quan báo chí.

Đề cập lý do, ông Phúc cho biết là để các Ủy viên trong Uỷ ban Thường vụ trao đổi, phát biểu hết các vấn đề, phát biểu sâu, không ngại việc có thông tin thuộc bí mật “vô tình” được đề cập.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.