Gần đây nhất, cô đã thắng trong vụ kiện một tài khoản mạng tung tin đồn Phạm Thừa Thừa là con trai riêng của cô, khiến kẻ tung tin đồn phải lĩnh hậu quả phải bồi thường 8.700 USD, đồng thời phải xin lỗi Phạm Thừa Thừa trong vòng 48 tiếng. Lâm Tâm Như và Hoắc Kiến Hoa cũng thắng kiện sau hai năm bị tung tin đồn chưa đăng ký kết hôn. Kết quả, tòa án đã tuyên xử bị đơn phải đăng bài xin lỗi trên Weibo của mình trong vòng hai ngày, đồng thời bồi thường tổn thất về mặt tinh thần và danh tiếng cho cặp vợ chồng Hoa - Như mỗi người số tiền 100.000 NDT (tương đương 350 triệu đồng).
Có thể thấy với những người của công chúng, việc bị tung tin đồn thất thiệt dường như là điều tất yếu ở mọi nơi. Thế nhưng, mỗi nơi lại có những cách xử lý khác nhau và từ đó tạo nên những “đẳng cấp” khác nhau. Nhìn quanh làng giải trí châu Á, mà gần nhất là Hàn Quốc hay Hoa Ngữ, dễ thấy cách đối xử thẳng tay và dứt khoát của các nghệ sĩ với những kẻ tung tin đồn thất thiệt về mình. Không đôi co, không nhiều lời, họ sẵn sàng dùng ngay các biện pháp pháp lý để xử lý dứt khoát những nguồn tung tin không chính thống. Đây có thể coi là cách xử lý văn minh nhất, để răn đe hiệu quả nhất cho những nhân tố thiếu đàng hoàng, điều đó cũng góp phần cho sự chuyên nghiệp của chính các ngôi sao và làng giải trí này.
Nhìn lại Việt Nam, việc nghệ sĩ bị tung tin đồn không phải hiếm gặp. Thế nhưng, cách xử lý của họ dường như lại chỉ đổ thêm dầu vào lửa hoặc chấp nhận cam chịu. Thông thường, các “ngôi sao” xứ Việt chỉ chọn cách giãi bày trên mạng xã hội hoặc lên truyền thông phân bua. Hiếm có nghệ sĩ nào tìm đến pháp luật để giải quyết. Có thể giống như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng từng chia sẻ, việc đi kiện ở Việt Nam rất mệt mỏi và dai dẳng, tốn kém, khiến họ không có thời gian để theo đuổi vụ kiện nên chấp nhận “ngậm bồ hòn”. Cũng bởi thế, chính các nghệ sĩ xứ Việt cũng phải thừa nhận, sự chuyên nghiệp của làng giải trí Việt còn ở mức kém xa so với thị trường các nước bạn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận