Anh Trần Anh Dũng, thành viên Otofun Hải Phòng - người đã đáp lời cầu cứu trên mạng của hai cô gái đêm 4/5 |
1. Ngày 19/3, tại Hà Giang đã xảy ra vụ án mạng gây rúng động dư luận. Một gia đình gồm 2 vợ chồng và cháu nhỏ 9 tháng tuổi được phát hiện chết trong chiếc xe Mercedes đậu trên con đường nhỏ gần ven sông cuối TP Hà Giang. Theo kết quả điều tra bước đầu, người chồng đã xả bình ga gây ngạt cho cả ba người, vì ghen tuông, nghi ngờ cháu bé không phải con mình.
Không chỉ ám ảnh bởi những cái chết vô tội, không ít người còn ám ảnh bởi câu chuyện, người vợ đã cố sức cầu xin mọi sự giúp đỡ trước khi chồng mình xuống tay. Không chỉ gọi cho con trai, mẹ ruột, chị còn cầu cứu trên mạng xã hội. Song không ai kịp hành động! Người thân của chị ở xa, khi nhận tin không biết phải lần theo manh mối nào để tìm kiếm, giúp đỡ, ngăn chặn. Gia đình đã vậy, cộng đồng mạng còn khó khăn hơn. Ngoài vấn đề địa lý cách trở, thì còn có tâm lý nghi hoặc trước tình trạng “fake news” tràn ngập cả trong đời thực lẫn trên môi trường mạng. Và sau vô số lần chứng kiến thật giả lẫn lộn, nhiều người đã hình thành cơ chế “tự vệ” trước thông tin, phần nào giống trong câu chuyện kinh điển “Tăng Sâm giết người”. Để rồi dần trở nên vô cảm lúc nào không hay!
Vụ án mạng rúng động ở Hà Giang đã không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời dù người vợ đã tìm mọi cách cầu cứu |
2. Sự vô cảm trước lời kêu cứu vô vọng như trường hợp của gia đình ở Hà Giang không phải duy nhất. Hẳn nhiều người chưa quên vụ án vợ giết chồng rồi chặt rời từng bộ phận bỏ thùng rác xảy ra trên địa bàn Bình Dương khuya 15/12/2017. Theo lời hàng xóm của gia đình này, đêm xảy ra vụ án, anh ta đã nghe tiếng vợ chồng họ cãi vã, đánh nhau. Đặc biệt, khi ngang qua phòng trọ của họ, anh còn nghe tiếng người chồng thều thào: “Trời ơi, trời ơi..., xin đừng giết tôi”. Tuy nhiên, người hàng xóm nghĩ người chồng say, nói nhảm nên đi thẳng về phòng ngủ. Do đó, một tội ác kinh hoàng đã không được ngăn chặn kịp thời!
Và còn nhiều, rất nhiều những câu chuyện có phiên bản tương tự...
Thậm chí, ngay cả khi trực tiếp chứng kiến cảnh gây gổ, đánh lộn, đâm chém giữa đường giữa chợ…, phần đông mọi người lựa chọn làm “khán giả”. Sự lựa chọn đó, phần vì mối lo “không phải đầu cũng phải tai”, song phần khác, là tâm lý “không phải việc của mình”. Từ việc chọn vai khán giả trước với hành vi “xấu xí” của người khác nơi công cộng như xả rác bừa bãi; đi lấn làn, vượt đèn đỏ… Đến việc im lặng trước những sai phạm ngay trong chính môi trường học tập, làm việc hằng ngày. Thậm chí làm khán giả trước hành vi phạm tội như trộm cắp, cướp giật, đâm chém, giết người…
Sự thờ ơ, vô cảm ấy làm tôi chợt nhớ đến lời của Matin Luther King: "Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt".
Anh Nguyễn Hoàng Điệp (áo trắng) cùng những bạn rủ nhau đi hỗ trợ đồ ăn, nước uống cho những người bị kẹt xe trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đêm 18/4 |
3. Do vậy, hai nữ sinh bị “kẹt” trong một nhà nghỉ nằm trên đường đi Hải Phòng - Thái Bình đêm 4/5 đã lên mạng xã hội cầu cứu khi đã dùng mọi “quyền trợ giúp” trước đó. Chia sẻ với PV Báo Giao thông sáng 5/5, Minh Anh - một trong hai nữ sinh được giải cứu, cho biết, khuya 4/5, ngay sau khi phát hiện có người đàn ông rình trước cửa sổ phòng nghỉ, cả hai đã rất hoảng loạn. “Bọn em đã gọi cho mấy người bạn, nhưng khuya nên có bạn không bắt máy, có bạn thì bố mẹ không cho ra đường giờ đó. Còn nếu gọi Công an thì không có bằng chứng cụ thể. Nên trong tâm lý “có bệnh vái tứ phương”, em đã cầu cứu trên Otofun”, Minh Anh nhớ lại.
Chia sẻ của cô gái đã nhận được sự quan tâm lớn của các thành viên diễn đàn này. Tuy nhiên, bên cạnh những lời động viên, hướng dẫn, hai cô gái cũng nhận được vô vàn “gạch đá”, bằng việc mổ sẻ mọi dấu hiệu từ đó suy diễn chỉ là trò... câu like. Nhiều thành viên nhanh tay vào facebook của hai cô gái, moi móc thông tin, hình ảnh, rồi buông lời bình luận khiếm nhã. “Đối mặt với những bình luận khiếm nhã, chỉ trích qua mạng xã hội cũng căng thẳng không kém việc đối mặt với nỗi sợ hãi khi mắc kẹt trong nhà nghỉ khi ấy”, Nguyễn Thị Thanh Hằng, nữ sinh đi cùng Minh Anh chia sẻ.
Mặc dù gây nhiều tranh cãi, song đội ngũ quản trị diễn đàn Otofun vẫn không xoá bài viết cho đến sáng hôm sau, nhưng quyết định đóng chức năng bình luận, để “tránh tình trạng như vụ ở Hà Giang lần trước”. Và rồi, lúc 12h20, một người bạn của Minh Anh đã xác nhận vụ việc, đồng thời nhờ cộng đồng giúp đỡ. Anh Nguyễn Mạnh Thắng - admin Otofun đã trao đổi với anh Trần Anh Dũng - thành viên Otofun Hải Phòng và ngay lập tức, anh Dũng cùng những người bạn đã lên đường, đưa hai cô gái rời đi đến một khách sạn an toàn. Khi ấy trời đã gần 2h sáng, và cộng đồng mạng mới thở phào!
Hai nữ sinh đã được đưa ra xe đến nơi an toàn đêm 4/5 rạng sáng 5/5 |
4. Song, ngay cả khi “điệp vụ giải cứu” hai nữ sinh trong nhà nghỉ đã kết thúc, thì câu chuyện này cũng chưa khép lại! Trên mạng xã hội, cũng như chính trên diễn đàn Otofun, bên cạnh những lời khen ngợi, còn không ít lời “bàn ra tán vào” về vụ việc, rằng “chuyện chẳng có gì phải ầm ĩ”. Cũng có người phân tích, mổ xẻ, thậm chí dạy dỗ về hành động “anh hùng cứu mỹ nhân”!
Cũng có thể, lời kêu cứu đêm ấy rơi vào im lặng và cũng chẳng có chuyện gì xảy ra sau đó. Song chắc chắn cả đêm hai nữ sinh chẳng thể ngủ ngon. Và nếu chẳng may rơi vào tình huống mất an toàn nào đó, các cô gái ấy khó đủ dũng khí và niềm tin để lại cầu cứu những “người lạ” một lần nữa.
Vậy nên, tôi tin rằng, những chàng trai Hải Phòng đêm ấy đã không lưu luyến chăn êm đệm ấm, không hối tiếc vì đã làm việc tốt không công. Nhưng tôi tin, nếu không hành động, họ cũng sẽ cả đêm không ngủ vì lo lắng, day dứt. Và nếu chẳng may xảy ra một kịch bản xấu, hẳn họ sẽ day dứt, ám ảnh khôn nguôi!
Tâm sự với PV Báo Giao thông, hai nữ sinh kể rằng, sau khi bấu víu vào những người thân không thành, các em chỉ còn cách cầu cứu trên mạng xã hội. “Dù đó là hy vọng cuối cùng, song chúng em cũng không dám tin là sẽ được hỗ trợ, giúp đỡ đến mức đó. Nhưng rồi, các anh ấy đã đến, em cứ ngỡ như chuyện cổ tích vậy”, nữ sinh Thanh Hằng xúc động.
Tôi chợt nghĩ rằng, “chuyện cổ tích” sẽ chẳng thể xảy ra nếu hai cô gái ấy không đặt cược niềm tin còn lại vào những “người lạ” trên mạng xã hội. Và những “người lạ” nếu cũng im lặng, vờ như không biết, không nghe, không thấy, thì rất có thể sẽ thêm một lời cầu cứu rơi vào vô vọng!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận