Trong bối cảnh gần đây rộ lên thông tin Phần Lan và Thuỵ Điển đang nghiêng nhiều sang hướng gia nhập NATO, trang Eurasia Review đã đăng tải một bài viết phân tích về khả năng này.
Trong đó, tác giả bài viết cho rằng, nếu trường hợp đó xảy ra, đây sẽ là động thái có thể “vẽ lại” bản đồ quân sự và chính trị châu Âu lớn nhất kể từ khi các quốc gia Trung và Đông Âu tham gia vào liên minh quân sự này cũng như gia nhập Liên minh châu Âu (EU) từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2000.
Cờ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)
Câu hỏi lớn nhất lúc này là liệu Phần Lan và Thụy Điển có cùng nhau gia nhập NATO trong thời gian tới hay không và liệu họ có nhận được một số đảm bảo an ninh nhất định giữa khoảng thời gian họ nộp đơn gia nhập và khi thực sự được chấp thuận là thành viên đầy đủ của NATO vì họ không thể chờ đợi tới nhiều năm như thông thường.
“Bước ngoặt” của cả Phần Lan và Thuỵ Điển
Đối với hai nước này, đây sẽ là một sự thay đổi rất lớn khi họ đã và đang thực hiện chủ trương không liên kết về mặt quân sự kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc.
Trong bối cảnh này, dư luận đều rất kinh ngạc khi thấy quá trình ra quyết định đang diễn ra khá tích cực ở cả Helsinki và Stockholm.
Khi tiếp người đồng cấp Phần Lan Sanna Marin tại Stockholm vào đầu tuần này, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson ngụ ý rằng tình hình đã thay đổi “trước và sau ngày 24/2”, đề cập đến cuộc xung đột của Nga và Ukraine.
Leo thang quân sự tại Ukraine và những lời lẽ cảnh báo cứng rắn của Moscow trước các thông tin về sự gần gũi hơn của Phần Lan và Thuỵ Điển với NATO chỉ khiến hai nước này thêm quyết tâm.
Theo nội dung bài viết trên Eurasia Review, quyết tâm của hai nước này lên cao đến mức họ cân nhắc tham gia NATO ngay cả khi không tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ở cả hai quốc gia.
Thủ tướng Thuỵ Điển Magdalena Andersson và Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin (từ trái sang phải)
Tại Stockholm, bà Marin đã xác nhận, quốc hội Phần Lan và các ủy ban khác đang thảo luận về việc có tham gia NATO hay không và quyết định dự kiến sẽ được đưa ra "trong vòng vài tuần, chứ không phải vài tháng".
Tại Phần Lan, theo một cuộc thăm dò gần đây, gần 70% dân số ủng hộ nước này tham gia NATO.
Đồng thời, các đảng chính trị vốn do dự như Đảng Dân túy Phần Lan và Đảng Trung tâm đang cho thấy họ cũng ủng hộ động thái này. Dự kiến đơn đăng ký gia nhập NATO của Phần Lan sẽ được đưa đến bàn của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sớm nhất là vào tháng 5.
Ở Thuỵ Điển, các cuộc thăm dò ý kiến mới nhất cũng cho thấy 45% người Thụy Điển đồng ý, so với 33% phản đối và 22% chưa có quyết định. Kết quả các cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng số lượng người Thuỵ Điển ủng hộ gia nhập NATO sẽ tăng lên hơn 60% nếu Phần Lan cũng tham gia.
Trong khi các động thái ở Phần Lan đang rõ ràng, thì Thuỵ Điển dường như vẫn còn phân vân. Các đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền, vốn ủng hộ chủ trương không liên kết, hiện có nhiều cuộc tranh luận nội bộ về vấn đề này.
Tuy nhiên, nhiều bản tin địa phương cho thấy, Thủ tướng Andersson ủng hộ nước này gia nhập NATO. Bốn chính đảng trung hữu trong quốc hội nước này cũng ủng hộ.
Đảng Dân chủ cánh hữu Thụy Điển, theo chủ nghĩa dân túy, cũng ra tín hiệu rằng họ sẵn sàng ủng hộ nếu Phần Lan cùng hành động. Như vậy, đa số nghị viện đã tỏ ý ủng hộ, đặc biệt khi có Phần Lan cùng tham gia.
Sẽ không ngạc nhiên khi thấy đơn gia nhập NATO của Thuỵ Điển được nộp ngay sau Phần Lan vì Stockholm dường như muốn vấn đề này được giải quyết trước cuộc bầu cử quốc hội Thụy Điển vào cuối tháng 9 năm nay.
Tình hình trên một lần nữa tập trung vào câu hỏi liệu hai nước này có hành động cùng nhau hay không.
Trong khi các quan chức của cả hai nước nhấn mạnh rằng họ sẽ đưa ra các quyết định riêng biệt, họ cũng xác nhận rằng các bộ trưởng Thụy Điển và Phần Lan có liên quan đang tiếp xúc về vấn đề này hàng tuần, thậm chí là hàng ngày.
Và việc cả hai tham gia cùng một lúc sẽ củng cố vị thế cho động thái của họ, giúp NATO dễ dàng mở cửa các chính sách của liên minh này.
Vì sao Thuỵ Điển, Phần Lan không thể chờ lâu?
NATO từ lâu đã bỏ ngỏ luôn mở rộng vòng tay chào đón cả hai nước. Tất cả các thành viên NATO đều không có khúc mắc với cả Phần Lan và Thuỵ Điển. Tổng thư ký Stoltenberg thậm chí từng nói rằng hai nước này gần gũi với NATO đến mức họ có thể không cần là thành viên.
Quân đội hai nước này thường xuyên tham gia các cuộc tập trận của NATO và hoàn toàn có thể phối hợp với quân đội của 30 thành viên còn lại.
Trên hết, Phần Lan, quốc gia vẫn duy trì quy chế tổng động viên, có thể tập hợp một đội quân thời chiến gồm 280.000 người và lực lượng dự bị bổ sung.
Còn Thụy Điển cũng có một ngành công nghiệp quân sự công nghệ cao đáng kể. Cả hai cũng sẵn sàng đạt được mục tiêu của NATO là dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng trong những năm tới.
Xe tăng Thuỵ Điển và Phần Lan tham gia cuộc tập trận mang tên Phản ứng nhanh tại Na Uy. Ảnh - Reuters
Và câu hỏi tiếp theo là khi nào hai nước này có thể gia nhập NATO? Kịch bản lạc quan nhất là cả hai có thể ký nghị định thư gia nhập tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào ngày 29-30/6.
Nếu như vậy, tốc độ này sẽ là chưa có tiền lệ. Nhưng nhiều quan chức châu Âu nói thêm rằng thế giới đang "trải qua một thời kỳ chưa từng có" khi những định chế cũ liên tục được viết lại.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto lưu ý rằng quá trình phê chuẩn sau khi nghị định thư được ký kết có thể mất từ 3 tháng đến 1 năm vì nghị viện một số nước thành viên sẽ thảo luận vấn đề này tại các ủy ban khác nhau.
Ví dụ, phải mất 13 tháng để Bắc Macedonia, thành viên mới nhất của NATO, hoàn tất quá trình này.
Thêm vào đó, vấn đề này cũng có thể trở thành một lá bài thương lượng chính trị trong nội bộ NATO.
Tuy nhiên, nếu quyết định gia nhập, cả Thụy Điển và Phần Lan đều muốn các thành viên khác trong liên minh phải đẩy thật nhanh quá trình thông qua tư cách thành viên cho họ vì lo ngại an ninh, nhất là khi Phần Lan có đường biên giới dài gần 1400 km với Nga.
Ông Haavisto thừa nhận rằng Điều 5 trong Hiệp ước của NATO về phòng thủ chung chỉ có hiệu lực với các thành viên đầy đủ.
Nhưng ông cũng không loại trừ ý tưởng rằng sẽ có một số hình thức bảo đảm an ninh được đưa ra trong giai đoạn các nước thành viên mới chờ được phê chuẩn để trở thành thành viên đầy đủ.
Theo kịch bản lạc quan nhất, nghị viện các nước thành viên NATO sẽ phải làm việc "tăng ca", thay vì nghỉ hè trong tháng 7 và tháng 8 năm nay, để tăng tốc phê chuẩn Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên thứ 31 và 32 của NATO vào đầu mùa thu.
Trước đó, khi có thông tin Phần Lan Thuỵ Điển có thể gia nhập NATO, Điện Kremlin cho rằng: "Việc Thụy Điển và Phần Lan có khả năng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không mang lại sự ổn định cho châu Âu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận