Y tế

Đề phòng đột quỵ, méo miệng những ngày rét đậm

27/01/2024, 07:30

Đợt rét đậm vừa qua khiến gia tăng số người nhập viện vì các bệnh về hô hấp, đột quỵ, xuất huyết dạ dày. Theo dự đoán, lượng bệnh nhân sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn trước và sau Tết.

Bệnh nhân ùn ùn nhập viện

Những ngày gần đây, số bệnh nhân cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) gia tăng đột biến.

Trong số này, có ông T.V.T (72 tuổi, ở Hòa Bình) được gia đình đưa đến cấp cứu trong tình trạng khó thở, rít lên từng hồi. "Đợt lạnh sâu này khiến tôi không thể thở, lồng ngực như bị bóp chặt lại. Được các bác sĩ cấp cứu, được thở oxy, cảm giác như con cá mắc cạn đã hồi sinh", ông T cho hay.

Đề phòng đột quỵ, méo miệng những ngày rét đậm- Ảnh 1.

Một ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu A9 Bạch Mai.

BS Nguyễn Minh Hiếu, Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân T viêm phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) kéo dài hơn 10 năm. Bên cạnh thở oxy gọng, bác sĩ tiếp tục điều trị triệu chứng như khí dung, thêm thuốc giãn cơ.

Tương tự, bệnh nhân N.V.P (75 tuổi, ở Bắc Ninh) cũng bị phổi tắc nghẽn mạn tính, kèm nhiều bệnh nền khác, được đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

"Trường hợp này nguy kịch vì viêm phổi trên nền COPD, chúng tôi nhanh chóng đặt ống nội khí quản, thở máy. Hy vọng trong vài ngày tới bệnh nhân bình phục sẽ rút máy thở và tiếp tục được chuyển về điều trị ở chuyên khoa hô hấp", BS Hiếu thông tin.

Theo thống kê của bệnh viện, khi thời tiết lạnh sâu, bệnh nhân cấp cứu vì biến chứng do COPD tăng đột biến. Trung bình, Trung tâm Cấp cứu A9 tiếp nhận 20–30 ca/ngày, trong đó 10% phải thở máy.

BS Đoàn Văn Phúc, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết, bước vào đợt lạnh này, đơn vị tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7, gồm cả người già và người trẻ. Hầu hết bệnh nhân đều đến viện trong tình trạng mặt méo, miệng méo, không khép kín được mí mắt.

Nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan của người bệnh, đặc biệt là người trẻ. Có trường hợp bệnh nhân đi tập thể dục buổi sáng nhưng mặc không đủ ấm; Có trường hợp mở cửa đột ngột sau khi thức giấc... khiến liệt dây thần kinh số 7.

Còn tại Bệnh viện Tim Hà Nội, số bệnh nhân đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp… cũng gia tăng. Lý do vì vào những ngày trời lạnh, cơ thể dễ bị hạ thân nhiệt khiến tim phải làm việc nhiều hơn để giữ ấm. Điều này làm tăng khả năng nhồi máu cơ tim ở những người vốn có sẵn yếu tố nguy cơ.

Thời tiết chuyển lạnh sâu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng điều trị nhiều trường hợp mắc các bệnh lý tim mạch, trong đó chủ yếu là người cao tuổi và những người có tiền sử bệnh tim mạch từ trước.

Làm gì để phòng tránh?

PGS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 cho biết, khi thời tiết lạnh ẩm sâu như hiện nay, số ca bệnh liên quan tới bệnh phổi, bệnh nhiễm trùng tăng mạnh, nhất là ở người già.

BS Tuấn lưu ý, ngoài việc tiêm phòng cúm, uống thuốc đều, ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, các bệnh nhân vốn có bệnh lý mạn tính cần tránh tâm lý chủ quan dẫn tới diễn biến bệnh trở nặng. Việc cộng hưởng cùng lúc các yếu tố (thời tiết, bệnh lý, quên thuốc…) sẽ khiến bệnh trở nặng nhanh hơn.

TS Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, về mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5 mmHg. Việc duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch.

Thời tiết lạnh cũng làm tăng tiết các Catecholamin trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp. Đa số người dân không biết hoặc chưa kiểm soát tốt huyết áp của mình.

Với người cao tuổi, huyết áp thường không quá 140/90 mmHg. Khi thời tiết chuyển sang giá lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên. Ngoài ra, mức huyết áp có thể tăng vọt khi đột ngột ra ngoài trời lạnh hoặc khi đi tắm rửa...

Huyết áp tối đa quá 180 mmHg là điều rất đáng lo ngại. Nhiều người có tiền sử cao huyết áp lúc đó huyết áp sẽ tăng mạnh đến 200mmHg, nếu không phát hiện, dùng thuốc kịp thời có thể gây vỡ mạch máu não và tử vong.

Thời tiết lạnh còn làm tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não.

Để phòng các bệnh lý liệt dây thần kinh số 7 và tim mạch hay đột quỵ, theo khuyến cáo từ BS Tuấn Anh, điều quan trọng nhất là người dân cần được giữ ấm đầy đủ. Cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy. Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh.

Những bệnh nhân bị tăng huyết áp nên uống các thuốc hạ huyết áp theo chỉ định của bác sĩ. Các thuốc tăng huyết áp cần được uống liên tục, suốt đời, không được ngừng thuốc đột ngột và cần có sự theo dõi của nhân viên y tế.

Những bệnh nhân có bệnh động mạch vành nên được theo dõi định kỳ, nhất là khi chuyển mùa, khi thời tiết thay đổi để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.

Đối với trẻ nhỏ mắc các bệnh tim bẩm sinh, thời tiết lạnh dễ làm bệnh tim nặng hơn, ngoài ra còn dễ khiến trẻ mắc các bệnh lý về hô hấp như viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi. Phụ huynh cần lưu ý giữ ấm cổ và cơ thể, quàng khăn, đeo khẩu trang và hạn chế ra ngoài trời lạnh, cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, những người bị bệnh tiểu đường nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có cơn huyết áp kịch phát, nguy hiểm trong những ngày rét đậm. Đối với bệnh nhân có bệnh mạch vành, khi trời lạnh nhu cầu oxy cho cơ tim tăng hơn vì thế cũng có nguy cơ xuất hiện dấu hiệu của các bệnh mạch vành như đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.