Không phải ngẫu nhiên, ngày 14/6 vừa qua, với 84,3% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Nội dung được nhiều cử tri và nhân dân quan tâm là “Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” đã được các đại biểu Quốc hội nhất trí đưa vào luật.
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa (kể từ ngày 1/1/2020) Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực - "Người đã uống rượu, bia sẽ không được lái xe".
Quy định này sẽ mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông và tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, đại biểu Quốc hội, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, của Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ TNGT.
Nhưng khi Luật trên chưa kịp đi vào cuộc sống, thì ở Phú Yên lại xảy ra một vụ tai nạn kinh hoàng và nguyên nhân cũng bởi vì “ma men”.
Vụ tai nạn tối ngày 30/11 do tài xế Võ Duy Đô điều khiển xe bán tải BKS 78C-085.44 va chạm với 2 xe mô tô và một xe đạp điện đã khiến 7 người thương vong.
4 nạn nhân vụ tai nạn trên đã mãi mãi chẳng thể về nhà trong đêm định mệnh, một người đang mong manh giữa ranh giới của sự sống - cái chết, một người đã mất đi khả năng lao động suốt đời. Tương lai đã bị cướp đi chỉ sau cú tông của tài xế xe bán tải không bằng lái, vi phạm nồng độ cồn.
Chẳng ai có thể đong đếm hết nỗi đau, thiệt hại của các gia đình trong vụ tai nạn ấy. Và, những người còn sống sót trong vụ tai nạn cũng chẳng thể nào quên nổi ám ảnh trong đêm kinh hoàng.
Tôi không biết, giờ đây, khi đang bị giam giữ để điều tra, tài xế Võ Duy Đô đang suy nghĩ những gì. Nhưng dù có ân hận đi nữa thì đã quá muộn màng.
Với trách nhiệm người điều khiển ô tô gây ra tai nạn, tài xế Đô sẽ phải đền tội cho những lỗi lầm của mình. Anh chẳng thể bù đắp được nỗi đau mất người thân của các gia đình bị hại. Và chính anh cũng đã trở thành “bị hại” của rượu bia….
Tài xế Đô đã “sát hại” 4 mạng người. Những người uống rượu cùng, những người nâng ly chúc tụng, chén chú chén anh với tài xế Đô có thể yên lòng sau tai nạn thảm khốc ấy?
Trong vụ TNGT trên, ai sẽ chịu trách nhiệm cùng tài xế Đô? Chắc những người cụng ly trong tiệc rượu kia sẽ vô can. Bởi ai cũng hiểu trong cái "phong trào và khí thế" ăn nhậu ấy, mấy ai lại không tán thưởng nếu Đô uống nhiệt tình? Mấy ai dám can đảm ngăn chặn Đô khi "ma men" này quyết tâm cầm lái? Hoặc trong thời khắc "tàn canh rượu" ấy, chẳng ai đủ tỉnh táo để lường những gì sẽ diễn ra.
"Tai nạn" trong TNGT thường bao hàm cả chuyện may, rủi. Nhưng rõ ràng trong trường hợp này, "tai nạn" không còn ngẫu nhiên, hên xui. Nó là chuỗi của quá trình "tự chuyển hóa". Từ chỗ rượu bia chỉ là chất xúc tác, thăng hoa cảm xúc, "đầu câu chuyện" đến chỗ nó như loài ác quỷ chiếm hữu tâm trí tài xế, điều khiển người cầm lái để thỏa cơn gây họa, gieo rắc nỗi kinh hoàng, ám ảnh cho những nạn nhân xấu số. Đó đâu phải là tai nạn, phải gọi tên cho đúng là "tội ác".
Với người uống, rượu có thể làm bàn nhậu thêm vui, thêm thắm tình anh em chiến hữu.
Nhưng cũng chính rượu đã huỷ hoại cơ thể, rượu làm gia tăng bạo lực, làm phá vỡ hạnh phúc gia đình và là tác nhân gây TNGT…
Trong 10 năm qua (năm 2009 đến tháng 5/2019), bình quân mỗi năm có gần 10.000 người chết vì TNGT, trong đó đa số người bị tai nạn đang trong độ tuổi lao động, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu gây ra TNGT cụ thể do người tham gia giao thông gây ra chiếm 80%, trong đó 22,9% chạy quá tốc độ qui định, 14% tránh vượt sai quy định, 3,8% nguyên nhân do say rượu, bia lái xe…
Để giảm tỉ lệ 3,8% nguyên nhân do TNGT kia chúng ta phải làm gì? Những khẩu hiệu “Đã uống rượu bia thì không lái xe” đến bao giờ mới được thực thi nghiêm túc?
Nói đến đây, tôi nhớ đến một tiệc cưới linh đình hơn 40 bàn tiệc được tổ chức vào tháng 5, tại xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Điểm đặc biệt ở tiệc cưới này là không hề có một giọt rượu, bia nào mà thay vào đó là nước ngọt, nước suối khiến nhiều người thích thú và ngạc nhiên. Trên dải đất hình chữ S này, có mấy gia đình nghĩ đến những điều đặc biệt như thế?
Lực lượng chức năng không bao giờ có đủ quân số để đứng ở các ngả đường kiểm soát và xử lý người điều khiển phương tiện giao thông uống bia rượu. Chỉ có những người có trách nhiệm với chính mình và gia đình mới biết khước từ những ly rượu bia trước khi cầm tay lái.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận