Trưởng ban tổ chức Đỗ Nga Việt (người thứ 3, từ trái sang) với một số nhà văn tham gia Trại STVH khu vực miền Trung và Tây Nguyên tại Đà Nẵng, tháng 8/2014 |
Cuộc “ra quân” hùng hậu
Năm 2014, Ban Tổ chức cuộc vận động STVH về đề tài GTVT đã tổ chức Trại STVH khu vực Bắc miền Trung vào cuối tháng 6/2014, Trại STVH miền Trung và Tây Nguyên vào cuối tháng 8, Trại STVH phía Nam vào cuối tháng 10 và Trại STVH phía Bắc tháng 11/2014. Bốn Trại STVH đã thu hút 143 nhà văn, nhà thơ tham gia.
Trong số các nhà văn, nhà thơ tham gia bốn Trại STVH có những nhà thơ xuất thân từ ngành GTVT hoặc Thanh niên xung phong GTVT như: Nguyễn Đỗ Phú, Kiều Vượng, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Khắc Phê, Lê Minh Khuê, Mai Hồng Niên, Trịnh Ngọc Dự hoặc gắn bó và đã có nhiều tác phẩm viết về ngành GTVT như: Nguyễn Hiếu, Nguyễn Thế Tường, Trần Thanh Giao, Kiều Vượng, Xuân Ba... Trại STVH cũng thu hút nhiều nhà văn, nhà thơ từng “mặc áo lính” hoặc đang ở trong quân đội như: Tô Đức Chiêu, Phạm Hoa, Bùi Thị Như Lan, Nguyễn Thị Ngọc Hương, Hồ Kiên Giang, Nguyễn Kim Quyên, Ngân Vịnh, Lê Anh Dũng...
Các Trại STVH đã thu hút các nhà văn với nhiều lứa tuổi, thành phần dân tộc, cao tuổi nhất là nhà văn Trần Thanh Giao 82 tuổi; Các nhà văn, nhà thơ trên 70 tuổi như: Mã A Lềnh, Đàm Khánh Phương, Ngân Vịnh, Nguyễn Gia Nùng, Thanh Thảo... Bên cạnh đó, có nhiều tác giả trẻ như Nguyễn Thị Quỳnh Nga (Hà Tĩnh), Vũ Văn Song Toàn (TP Hồ Chí Minh).
Trong thời gian diễn ra các Trại STVH, các nhà văn, nhà thơ đã được thâm nhập thực tế trên các công trình trọng điểm Nhà nước về GTVT trên các vùng, miền của đất nước. Qua đó đã được tận mắt chứng kiến những nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức vinh dự của ngành GTVT trong việc thực hiện những nhiệm vụ đã được nêu tại Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Đồng thời các nhà văn, nhà thơ đã được tìm hiểu thêm về những cống hiến của ngành GTVT nói chung, lực lượng TNXP GTVT nói riêng, góp phần quan trọng vào chiến thắng ngoại xâm của dân tộc; Mục kích những việc làm thiết thực của cán bộ, công nhân viên, lao động (CBCNVLĐ) ngành GTVT bằng những việc làm có ý nghĩa thiết thực trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Các nhà văn dự Trại STVH về đề tài GTVT khu vực phía Bắc thăm cầu Nhật Tân |
Nguồn cảm hứng vô tận
Đề tài về GTVT chưa bao giờ cũ. Bởi lịch sử GTVT gắn liền với chiến tranh cách mạng trước đây cũng như sự nghiệp đổi mới hiện nay với sứ mệnh “đi trước mở đường”.
Tại lễ phát động cuộc vận động được tổ chức trực tuyến, ngày 25/4/2014, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động cho biết: Việc tổ chức cuộc vận động sán tác văn học (STVH) về đề tài GTVT nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống và Đại hội thi đua yêu nước Ngành GTVT lần này với mong muốn tiếp tục giáo dục truyền thống 70 năm của ngành. Để từ truyền thống đó những thế hệ hôm nay thực hiện tri ân, tôn vinh những thế hệ cán bộ, kỹ sư, công nhân, lao động trong suốt 70 năm qua đã cống hiến xây dựng cho ngành GTVT góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng đất nước.
“Chúng tôi ý thức được rằng, để đáp ứng được yêu cầu của đất nước phải có sự nỗ lực của toàn ngành. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình cũng không tránh khỏi tồn tại, thiếu sót, bất cập. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn trong những tác phẩm văn học vừa động viên, cổ vũ được những đơn vị, những tấm gương tốt có tinh thần dũng cảm, sáng tạo trong công việc nhưng cũng phản ánh được tồn tại, bất cập để thấy được ngành GTVT còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân. Chúng tôi mong muốn các nhà văn, nhà thơ… có điều kiện tham gia để cuộc vận động thành công tốt đẹp”, Bộ trưởng Đinh La Thăng chia sẻ.
Cuộc vận động sáng tác văn học (STVH) về đề tài GTVT cũng nhằm để động viên CBCNVLĐ trong toàn Ngành tiếp tục phấn đấu, vươn lên xứng đáng với truyền thống vẻ vang; đồng thời đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân mong muốn GTVT Việt Nam tiếp tục đổi mới, phát triển đáp ứng được mục tiêu thực hiện đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng GTVT nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. |
Đồng Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: “Việc tuyên truyền cho những thành tựu, tấm gương và truyền thống vẻ vang của ngành GTVT chúng ta đã làm nhưng chưa tương xứng với tầm vóc vĩ đại của ngành GTVT cống hiến cho đất nước trong chiến tranh cũng như trong hòa bình. Còn bao nhiêu kỳ tích chúng ta chưa biết được. Do vậy, đây là thời cơ hết sức thuận lợi để các nhà văn, nhà thơ có dịp bộc lộ tâm huyết và tài năng của mình”. Nhà thơ Hữu Thỉnh mong muốn các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, những người yêu văn học hưởng ứng cuộc vận động sáng tác lần này. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức Cuộc vận động STVH về đề tài GTVT chờ đợi những trang viết của chính các CBCNVLĐ đã và đang sống, làm việc và cống hiến trong ngành GTVT.
Là người theo sát cuộc vận động STVH về đề tài GTVT kể từ lúc phát động, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban Văn học chuyên đề Hội Nhà văn, đồng Trưởng ban tổ chức, nhà văn Đào Thắng tâm sự: “Lúc đầu các nhà văn, nhà thơ cũng hơi e ngại vì cho rằng đây không phải sáng tác văn học. Họ sợ rằng chỉ là đi ca ngợi mấy cây cầu, con đường. Nhưng khi thấy Hội Nhà văn phát động, giải thích GTVT không chỉ là cây cầu, con đường mà còn là bao nhiêu con người, bao nhiêu tấm lòng, bao nhiêu sự hy sinh trí tuệ, bao nhiêu số phận... Ngay sau đó, các nhà văn đã tham gia trại sáng tác. Khi được đi thực tế họ càng thấy thích thú khám phá “người khổng lồ” giao thông này!”.
“Có những nhà văn, nhà thơ, không quản đường xa vượt 600-700 km đường bộ để tham gia trại sáng tác. Có người, ngay khi còn ở trại đã đăng ký đề cương cho tác phẩm của mình. Điều đó, cho thấy tinh thần của nhà văn, nhà thơ rất là cao, hăng say sáng tác hết mình”, ông cho biết.
Nhà văn 82 tuổi Trần Thanh Giao (TP HCM) vẫn giữ nhiệt huyết của thời trai trẻ tham gia cuộc vận động, “Chúng tôi đã viết, đang viết và tiếp tục viết về GTVT”, ông nói đầy hào sảng.
Chính vì thế 100% nhà văn, nhà thơ tham gia các Trại STVH đều có kế hoạch lựa chọn tác phẩm tham dự giải tôn vinh; Đề cương, tác phẩm mới để tham gia cuộc vận động. Cho đến nay, đã có hơn 300 tác phẩm gửi về Ban Tổ chức cuộc vận động STVH về đề tài GTVT, với 15 tiểu thuyết, gần 50 truyện ngắn, gần 70 tác phẩm ký và hàng trăm bài thơ. Đây là thành công bước đầu đáng khích lệ của cuộc vận động.
Có thể nói, đề tài GTVT luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo đối với các thế hệ nhà văn Việt Nam hôm qua, hôm nay và mai sau.
Đỗ Nga Việt
Ủy viên BCS Đảng Bộ GTVT, Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn lao động VN,
Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam, Trưởng BTC cuộc vận động STVH về đề tài GTVT
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận