Đại dịch Covid-19 đang đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, cướp đi mạng sống của hàng triệu người trên khắp thế giới. Covid-19 là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A do virus SARS-CoV-2 gây ra. Người nhiễm Covid-19 thường có diễn biến thất thường và phức tạp.
Dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, ở giai đoạn đầu, bệnh diễn biến chậm và âm thầm không có triệu chứng, nhưng sau đó rất nhiều ca bệnh đột ngột diễn biến nặng, phải thở oxy, thở máy hoặc hỗ trợ tuần hoàn hô hấp, suy chức năng đa cơ quan và tử vong; Đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch, hoặc có đồng nhiễm hay bội nhiễm các căn nguyên khác như vi khuẩn, nấm. Để hạn chế diễn biến nặng, nguy kịch người bệnh cần được theo dõi thường xuyên và thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ.
Những trường hợp người bệnh nhiễm Covid-19 không có triệu chứng hoặc thể nhẹ điều trị tại nhà, việc thực hiện, tuân thủ chế độ dinh dưỡng thật sự cần thiết. Dinh dưỡng giúp hỗ trợ và cải thiện “hàng rào” bảo vệ cơ thể như tế bào miễn dịch, các kháng thể, da, niêm mạc hô hấp, niêm mạc dạ dày làm tăng sức đề kháng.
Trao đối với PV Báo Giao thông, BS. Nguyễn Phương Thảo (Nhóm Bác sĩ hỗ trợ tư vấn F0-F1 cách ly tại nhà – TP.HCM) chế độ dinh dưỡng với F0 tại nhà phải được đặc biệt lưu ý, bởi trên thực tế, bác sĩ đã gặp nhiều F0 trong tình trạng suy kiệt do mệt mỏi, đột ngột bị mất vị giác hoặc khứu giác, làm giảm khả năng ăn uống.
Trong khi người bệnh nhiễm Covid-19 đều tăng nhu cầu dinh dưỡng do tăng tiêu hao năng lượng, nếu không bổ sung dinh dưỡng đầy đủ đúng cách người bệnh sẽ suy dinh dưỡng nặng.
Suy dinh dưỡng làm tăng nguy cơ bội nhiễm, bệnh trở nặng, kéo dài thời gian thở máy, tăng chi phí điều trị. Vì vậy, việc cung cấp dinh dưỡng cho người bệnh nhiễm Covid-19 nhẹ và không có triệu chứng tại nhà là rất cần thiết, giúp nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch và hạn chế biến chứng.
Nguyên tắc chung về chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm Covid-19 mức độ nhẹ và không có triệu chứng bao gồm: Ăn bình thường với đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng bằng đa dạng loại thực phẩm (nếu được) để duy trì thể trạng, thể chất bình thường;
Bổ sung thêm 1 đến 2 bữa phụ như sữa và các chế phẩm từ sữa, đặc biệt khi có ăn giảm sút do sốt, ho, mệt mỏi...;
Ăn tăng cường nhóm thực phẩm giàu protein (thịt, cá nạc.., đậu đỗ, hạt các loại) để ngăn ngừa teo cơ và tăng sức đề kháng;
Ăn tăng cường trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh các loại, gia vị (như tỏi, gừng) để tăng cường sức đề kháng;
Uống đủ nước (trung bình 2 lít/ ngày) hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy.
"Do cơ thể khi nhiễm bệnh mệt mỏi, gây cảm giác chán ăn, bệnh nhân nên ăn cháo loãng nấu với thịt bò, thịt gà, uống yến, sữa ensure (với người tiểu đường dùng sản phẩm không đường)… giúp tăng năng lượng nhanh", BS. Thảo lưu ý thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận