Sáng nay, hơn 866 nghìn thí sinh trên cả nước làm bài thi Ngữ Văn - môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Đây là kỳ thi "đặc biệt" diễn ra trong bối cảnh cả nước căng mình phòng chống dịch Covid-19.
Đề thi môn Ngữ văn năm nay có 2 phần, phần đọc hiểu về sống trân trọng cuộc sống mỗi ngày, và một câu yêu cầu phân tích tư tưởng "đất nước của nhân dân" trong bài Đất nước của tác giả Nguyễn Khoa Điềm.
Thí sinh phấn khởi
Trao đổi với PV Báo Giao thông, thí sinh Trần Ngọc Tú, tại điểm thi THPT Lương Thế Vinh cho biết: "Đề thi lần này na ná đề thi thử của trường Sư phạm. Đề không khó nhưng nặng nhất vẫn là phần 2. Đề thi phân tích bài thơ Đất nước. Em làm được và ra khỏi phòng thi sớm".
Còn thí sinh Trần Trung Hiếu (học sinh trường Chuyên Sư phạm): "Em đã làm hết sức và hi vọng đạt điểm tốt. Đề thi năm nay nằm trong phạm vi kiến thức đã được học ở trường. Với em phần khó nhất là nghị luận xã hội ".
Video: Thí sinh chia sẻ sau môn thi Ngữ Văn
Thí sinh Nguyễn Thảo Nguyên (học sinh trường Lương Thế Vinh): " Các bạn ban D sẽ làm tốt vì sát với đề minh họa của bộ. Chủ đề nghị luận sát với cuộc sống hàng ngay, không làm khó thí sinh đặc biệt với các bạn ban D, C".
"Không quá bất ngờ với chủ đề Đất nước, phần này cũng đã được giáo viên định hướng trước. Vì hiện đất nước đang trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh bùng phát. Bài thi liên hệ việc trân trọng cuộc sống mỗi ngày bằng cách làm quen với những việc làm, khẩu hiệu mới như "đeo khẩu trang dễ dàng hơn máy thở, nằm nhà sướng hơn bệnh viện....". Cơ bản bài thi con làm ổn và tự tin", thí sinh Nguyễn Phương Nhi (học sinh trường Trương Định) cho biết.
Giáo viên: Không khó nhưng quá dài
Cô Trịnh Thu Tuyết, Giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhận định: "Nhìn chung, đề thi Ngữ văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Đề bài không khó nhưng quá dài, đặc biệt là câu nghị luận văn học - câu hỏi chiếm quỹ điểm cao nhất trong bài. Điều đó, có thể sẽ khiến học sinh lúng túng để hoàn thành tốt bài thi".
Cụ thể, với phần Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi nhỏ; trong đó, 3 câu đầu dừng ở mức độ Nhận biết.
"Câu 1 yêu cầu nhận biêt về một đặc điểm hình thức của ngữ liệu đọc hiểu. Câu 2 và 3 yêu cầu nhận biết về các chi tiết nội dung trong ngữ liệu đọc hiểu. Chỉ duy nhất câu 4 là ở mức độ vận dụng cao yêu cầu học sinh phải vận dụng những hiểu biết về cuộc sống xã hội cùng những trải nghiệm cá nhân để thể hiện quan điểm độc lập của mình trước một nhận định rút ra từ ngữ liệu đã cho.
Với 3 câu hỏi nhận biết, học sinh hoàn toàn có thể đạt được điểm tối đa. Và như vậy, phần đọc hiểu sẽ không làm khó và không làm mất thời gian của thí sinh", cô Tuyết phân tích và nhận định.
Với phần Làm văn (7,0 điểm), theo cô Tuyết, đề thi giữ nguyên cấu trúc gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm).
Cụ thể, câu nghị luận xã hội vẫn yêu cầu học sinh nghị luận về 1 khía cạnh của vấn đề rút ra từ phần Đọc hiểu đó là “sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày” - “sự cần thiết” được hiểu là ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của ý thức “trân trọng cuộc sống mỗi ngày”. Có thể thấy, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội đảm bảo đúng form, cấu trúc, dung lượng mà học sinh ôn luyện, phù hợp với thời lượng và quỹ điểm; khía cạnh của vấn đề nghị luận cũng hướng tới một trong những điều quan trọng của cuộc sống mỗi cá nhân.
"Tuy nhiên, đây là một vấn đề ít nhiều còn trừu tượng với những học trò 18 tuổi - chưa đủ trải nghiệm để có thể thấu hiểu ý nghĩa của mỗi giây phút được sống trong cuộc đời, vì thế rất có thể sẽ có những bài làm chung chung, lí thuyết và thiếu sự thiết thực thấm thía nhất với mỗi học trò", cô Tuyết nói thêm.
Với câu 2 (5,0 điểm), theo cô Tuyết, bài nghị luận văn học đề cập đến một thông điệp tư tưởng quan trọng bao trùm không chỉ trong đoạn trích Đất nước mà còn là tư tưởng chi phối toàn bộ giai đoạn văn học 1945-1975. Đây cũng là nội dung chính mà học sinh không thể bỏ qua khi tiếp cận những giá trị nghệ thuật và nội dung của đoạn thơ.
"Tuy nhiên, ngữ liệu nghị luận theo yêu cầu của đề bài là 27 câu trong phần 3 của đoạn trích “Đất nước”, đó là một ngữ liệu quá dài, quá bề bộn trong quỹ thời gian cho phép của toàn bộ đề bài là 120 phút", cô Tuyết chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận