Hình thức thể hiện đề thi cũng tương tự như đề thi năm 2018 với 36 câu trong 60 phút và bao gồm cả dạng câu hỏi trắc nghiệm khách quan và dạng tự luận với tỉ lệ 12 tự luận/24 trắc nghiệm. Đề thi không xuất hiện những câu đánh đố hay quá khó. Trong mỗi dạng bài đều xuất hiện các câu hỏi dễ, trung bình và khó.
Quy mô kiến thức và từ vựng cơ bản, chủ đề bài đọc hiểu cũng khá quen thuộc, bám sát chương trình trong sách giáo khoa, chủ yếu kiến thức nằm trong chương trình lớp 9, có một số câu hỏi ngoài chương trình học khá hay. Ví dụ câu số 5 : “Last weekend, Ba invited Liz to join his family on a _____ to his home village”.
Cụ thể, phần câu hỏi trắc nghiệm, chủ yếu kiếm tra kiến thức từ vựng, 2 câu giao tiếp và 2 câu có yếu tố thực tiễn.
“Bài đọc hiểu thứ nhất thuộc chủ đề văn hóa: lịch sử và sự biến động của nghề gõ mõ. Chủ đề này là chủ đề quen thuộc trong chương trình Tiếng Anh 9 (hệ 10 năm) nên về cơ bản học sinh có thể hoàn thành tốt. Câu hỏi ở mức độ dễ (4 câu dễ), có 2 câu thuộc loại khó rơi vào từ vựng (từ đồng nghĩa/trái nghĩa) (câu 16) và một câu liên quan đến ngụ ý của đoạn văn (câu 18).
Bài đọc hiểu thứ 2 thuộc chủ đề năng lượng, chủ yếu kiếm tra kiến thức từ vựng, chỉ duy nhất 1 câu kiểm tra kiến thức ngữ pháp (câu 20). Các câu hỏi của bài đọc hiểu thứ hai ở mức khó hơn bài thứ nhất.
Phần câu hỏi tự luận: bao gồm 3 bài (bài 5,6,7), trong đó bài số 5 được đánh giá là tương đối dễ, học sinh đã được tiếp cận ở chương trình phổ thông. Hai bài còn lại thuộc dạng khó hơn, trong đó bài 6 thì học sinh cần nắm chắc kiến thức ngữ pháp đặc biệt là kiến thức về thành phần câu mới có thể xử lí tốt được. Bài số 7 ở mức độ trung bình, học sinh chỉ cần nắm được các cấu trúc viết lại câu quen thuộc là có thể hoàn thành tốt bài thi”, cô Nguyễn Thị Mai Hương, Giáo viên Tiếng Anh trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận định.
Thầy Nguyễn Trung Nguyên, Giáo viên Tiếng Anh, Hệ thống Giáo dục HOCMAI đánh giá tổng quan: "Đề thi có tính phân loại, có độ khó nhỉnh hơn đề thi năm 2018, nặng về kiểm tra kiến thức từ vựng của thí sinh. Để hoàn thành tốt bài thi, học sinh cần phải đọc kỹ đề, tìm ra được các “key words” trong câu, trong đoạn văn để giúp tìm được đáp án đúng và vận dụng tốt phương pháp làm bài hiệu quả trong môn tiếng Anh “phương pháp loại trừ”. Bên cạnh đó cần có tư duy phân tích, suy luận để làm tốt phần reading".
Tại buổi họp báo chiều 2/6, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết: "Đây là đề chung của toàn TP.HCM, sai sót lỗi chính tả (ở câu số 33), ban chỉ đạo hội đồng thi chỉ đạo các điểm thi thông tin cho thí sinh làm bài bình thường. Nội dung này sẽ được xử lý bởi ban chấm thi, xem xét giải quyết theo hướng có lợi nhất cho thí sinh".
Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, tổng số thí sinh TP.HCM dự thi vào lớp 10 thường ngày 2-6 là 73.462 thí sinh, đạt 99,08%; vắng 718 em không lý do. Lớp 10 chuyên dự thi là 6.089 thí sinh; vắng 58 thí sinh với môn văn, và 63 thí sinh với môn ngoại ngữ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận