Một trong số những kinh nghiệm xương máu được rút ra từ sự quá tải hệ thống y tế, quá tải bệnh viện trong đợt dịch ở TP.HCM, chính là việc chậm triển khai cách ly tại nhà cho F1 và những người nhiễm virus mà không có biểu hiện lâm sàng.
Sự quá tải hệ thống y tế chính là lý do đầu tiên dẫn đến tỷ lệ tử vong cao.
Cán bộ y tế hỏi thăm trường hợp F0 nhỏ tuổi, đang được cách ly, điều trị y tế tại nhà trên phố Hàng Thiếc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Tuệ An
Triển khai tốt việc cách ly, chữa bệnh cho những người nhiễm virus không có biểu hiện lâm sàng hoặc bị nhẹ, cách ly người có nguy cơ nhiễm, chính là yếu tố quan trọng để có thể hạ thấp tỷ lệ tử vong, qua việc giảm tải cho hệ thống y tế.
Cách ly y tế nghiêm ngặt và triển khai với sự giám sát ngặt nghèo của chính quyền cũng là một đặc thù của thời kỳ chúng ta theo đuổi chiến lược Zero Covid. Giờ đây, chiến lược của chúng ta cũng đã thay đổi căn bản, với nhận thức mới, chiến lược mới là thích ứng linh hoạt.
Tư tưởng ứng phó cũng đã rõ ràng, việc chống dịch là sự nghiệp của toàn dân như lời kêu gọi của Tổng Bí thư cần có sự tham gia tích cực, chủ động của toàn xã hội.
Việc cách ly người nhiễm thể nhẹ và người có nguy cơ nhiễm cần được triển khai theo cách phù hợp với chiến lược và mục tiêu đã đặt ra: Tránh gây quá tải hệ thống y tế, giảm thiểu số ca tử vong.
Tuy nhiên, có thể dẫn chứng một số ví dụ cho thấy đang có những quyết định chưa phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Theo Quyết định số 4038/BYT ngày 21/8/2021 của Bộ Y tế ban hành, đối tượng cách ly y tế tại nhà là người tiêm đủ liều vaccine sau 40 ngày hoặc người trên 1 tuổi và dưới 50 tuổi, không có bệnh nền, không mang thai.
Nhưng Hà Nội lại đang thực hiện quy định tại Văn bản 276/PA-UBND ngày 02/12/2021 của UBND TP, mà theo đó tất cả những người trên 49 tuổi và trẻ em dưới 3 tuổi phải cách ly tập trung.
Quy định mà Hà Nội đang áp dụng đã thu hẹp đáng kể đối tượng cách ly tại nhà so với Quyết định 4038 của Bộ Y tế khi buộc tất cả những người ngoài độ tuổi, bất kể đã tiêm đủ vaccine hay chưa và tất cả những người chưa tiêm đủ vaccine phải cách ly tập trung hoặc tới cơ sở y tế.
Không chỉ thế, chính quyền cơ sở vẫn bị buộc thêm trách nhiệm, người bệnh vẫn phải “xin” mới được ở nhà khi cũng theo Văn bản 276, Hà Nội đòi hỏi chính quyền địa phương phải lập tổ thẩm định để đánh giá, ban hành xác nhận đủ điều kiện cơ sở vật chất trang bị đảm bảo cách ly y tế tại nhà.
Việc thẩm định phải dựa trên đơn xin của người bệnh, cam kết của người nhiễm virus và của người chăm sóc…
Có thể thấy, quá nhiều quy định, nhiều khâu thẩm định sẽ không chỉ tạo thêm sự quá tải công việc cho chính quyền cơ sở, mà còn thể hiện tư duy thiếu tin cậy ở công dân dựa trên tư duy Zero Covid từ giai đoạn trước.
Trong lúc cấp bách, sẽ không có phường, xã nào đủ điều kiện để đi đánh giá được hàng chục, hàng trăm và có thể là hàng nghìn nơi lưu trú để xem có đủ điều kiện không, kéo theo đó là họp thẩm định, lập bản xác nhận vân vân và vân vân.
Quan trọng hơn, người nhiễm virus thay vì tập trung cho theo dõi sức khỏe, sẽ phải viết đơn xin, phải hỏi cách nộp đơn, rồi nơm nớp chờ xác nhận…
Thực tế những ngày qua, tại Hà Nội, báo chí phản ánh không ít trường hợp F1, F0 ở nhà 1 - 2 ngày chưa thấy sự hướng dẫn cũng như trợ giúp của chính quyền. Điều đó phần nào cho thấy sự quá tải của không ít bộ phận trong bộ máy.
Đã đến lúc phải thay đổi tư duy một cách triệt để, thay đổi nhận thức một cách đầy đủ, chỉ nên coi những người cần trợ giúp y tế mới là bệnh nhân, còn lại ai cũng sẽ cần có hướng dẫn phù hợp để tự cách ly và tự chữa trị nếu không có biểu hiện lâm sàng hoặc ở thể nhẹ, không cần đến bệnh viện.
Phải chống dịch dựa vào sức mạnh của toàn dân thì các cơ quan công quyền hay bộ máy y tế mới có thể tập trung cho công việc thực sự cần họ nhất…
Phạm Quang Vinh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận