Sáng 9/7, hơn 500.000 thí sinh đã bước vào kỳ thi đại học đợt 2. Các thí sinh thi khối D, B không bị bất ngờ do định hình trước được đề Toán từ đợt thi đầu tiên nhưng vẫn mang tâm trạng căng thẳng vì đề khó. Ngoài ra, các sĩ tử dự thi khối C lại dễ thở hơn với tâm lý làm bài khá thoải mái, hồ hởi vì có câu hỏi về chủ quyền biển đảo.
Phóng viên Báo Giao thông đã có mặt tại một số điểm trường thi ĐH đợt 2 trên địa bàn thành phố Hà Nội và ghi lại được một số hình ảnh.
Tại ĐH Hà Nội, chuẩn bị tâm lý từ đề thi Toán ĐH khối A của đợt 1, nhiều thí sinh thi Toán khối B, D lần này tỏ ra rất căng thẳng. |
Em Phương An (18 tuổi - Hà Đông) tâm sự, mặc dù biết là đề Toán khối B, D dễ hơn khối A, nhưng em vẫn rất hồi hộp, lo lắng bởi đề thi năm nay đa phần đều được nâng cao |
Người thân của các sĩ tử luôn miệng nhắc nhở phải tập trung cao độ, cố gắng hết sức để hoàn thành bài thi thật tốt |
Một sinh viên tình nguyện đang thắt chiếc dây đỏ may mắn động viên tinh thần các sĩ tử trước khi vào trường thi |
Giám thị có nhiệm vụ kiểm tra kỹ càng giấy tờ và các dụng cụ học tập được phép mang vào phòng thi của thí sinh |
Giám thị kiểm tra giấy tờ của các thí sinh lần cuối, đồng thời ký tên và nhắc nhở một vài khâu thủ tục trước khi đến giờ thi. Nhiều thí sinh vì mải lo âu, nghĩ về đề thi mà viết nhầm vào giấy thi hoặc xuất trình nhầm giấy tờ cho giám thị |
Một giám thị nhắc nhở nội quy thi và động viên các thí sinh trước khi bước vào giờ G. Đa phần các em đều khá lo lắng và căng thẳng |
Lác đác một vài thí sinh đến muộn |
Bước vào thời gian làm bài, sĩ tử dồn hết tinh thần tập trung độ. Theo nhiều nhận định, 6 câu đầu tiên thí sinh dễ dàng hoàn thành trong 90 phút. Ba câu khó thuộc về phần bất đẳng thức, bất phương trình vô tỷ và mặt cầu (mỗi câu 1 điểm). 3 câu này khó là do đề bài khá dài, có nhiều dữ kiện |
Nhận xét về đề Toán, thầy Lại Tiến Minh, giảng viên Đại học Kiến trúc cho rằng: Đề toán khối B hay hơn khối A, D. Cấu trúc không khác với khối A, D. Các câu hỏi phụ hàm số đến, câu tích phân, câu xác xuất, hình không gian có phần thú vị hơn các đề thi A, D. Thí sinh trung bình sẽ có mức điểm 4,5 (thấp hơn A, D). Thí sinh khá sẽ làm đc khoảng 6,7 điểm, 3 câu khó nhất là 3 câu cuối, cấu trúc giống khối A. Sẽ có ít thí sinh được điểm 9, 10". |
Trong khi đó ở điểm trường ĐH KHXH & NV, thí sinh dự thi môn Địa khối C lại dễ dàng làm bài, với đề bài về chủ quyền biển đảo và kinh tế biển, trong đó có câu 1:" Trình bày về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ý nghĩa của việc đánh bắt hải sản của ngư dân nước ta ở ngư trường Hoàng Sa- Trường Sa". Chuẩn bị tâm lý và kiến thức tốt, nhiều thí sinh còn xin thêm giấy để làm bài. |
Hết giờ, các thí sinh dự thi môn Địa khối C bước ra với tâm trạng hết sức phấn khởi vì hoàn thành tốt bài thi của mình. Tuy nhiên, nhìn kỹ thì nội dung các câu hỏi không đòi hỏi ở mức khó và chỉ nằm trong chương trình SGK lớp 12. |
Nhưng các thí sinh dự thi môn Toán khối B, D lại không được thoải mái và vui vẻ cho lắm. Em Hoài Ngọc Phương (19 tuổi - Lào Cai) mệt mỏi than vãn “Hai câu 8, 9 em thật sự chẳng hiểu gì, dạng toán này em chưa gặp bao giờ, em chỉ làm tốt câu đồ thị, khảo sát hàm số và tìm điểm M trên đồ thị, may ra thì được 4,5 điểm, chắc em trượt mất thôi". |
Vẻ mặt "thất thần" của cô nữ sinh dự thi chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng, "Thôi chắc em trượt rồi, em cũng chẳng muốn nói gì nữa cả ...", cô gái chán nản trả lời phóng viên. |
Nhiều thí sinh có kiến thức tốt vẫn tự tin sẽ đạt điểm cao, đa phần các em đều nhận định đề khối B, D năm nay để đạt được điểm 7 thì dễ tuy nhiên đạt điểm 9 10 thì rất khó. Phần khó là ở câu số 7 - hình học phẳng và câu 9 - bất đẳng thức. |
Lã Anh - Hoàng Nam
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận