Thí sinh rôm rả dự đoán đề văn
Trên nhiều trang mạng xã hội, các thí sinh đã và đang rất rôm rả dự đoán đề thi Văn tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ rơi vào tác phẩm nào.
Vào lúc 7h30 ngày 7/7, thí sinh cả nước sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Môn Ngữ văn là môn thi đầu tiên và cũng là môn thi duy nhất theo hình thức tự luận.
Trong tâm trạng lo lắng, hoang mang trước khi kỳ thi sắp diễn ra, những ngày qua, gần 400.000 kết quả tìm kiếm với từ khóa "dự đoán đề thi văn 2022" cho thấy sự quan tâm cũng như thực trạng học sinh học tủ để thi môn văn.
Trên nhiều trang mạng xã hội, các thí sinh đã và đang rất rôm rả dự đoán đề thi Văn tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ rơi vào tác phẩm nào. Có em dự đoán đề vào bài "Vợ chồng A Phủ", nhưng cũng có rất nhiều thí sinh dự đoán vào "Người lái đò sông Đà", "Vợ nhặt", "Việt Bắc"... Cũng có bạn mở trước tờ lịch ngày 7/7 và thông báo "điềm" thông qua hình ảnh trên tờ lịch.
Tuy nhiên, theo các giáo viên, thí sinh không nên tin vào những suy luận không căn cứ để học "tủ". Bởi vì ai cũng biết là khả năng “tủ đè” là rất cao. Trên thực tế, nếu may mắn vào bài mà học sinh tủ nhưng không có kỹ năng làm bài thì cũng không giải quyết được vấn đề và điểm cũng không cao. Vì vậy không nên đặt tương lai của mình vào những trò may rủi mà rủi nhiều hơn may.
Hình ảnh cư dân mạng dự đoán những tác phẩm có khả năng thi THPT 2022.
Làm thế nào để đạt tối đa điểm Văn thi tốt nghiệp THPT 2022
TS. Trịnh Thu Tuyết, Hệ thống giáo dục Hocmai cho rằng điều các thí sinh cần làm là tích cực rà soát lại một lần nữa những đơn vị kiến thức cơ bản trong chương trình Ngữ văn lớp 12, ghi nhớ những giá trị nội dung và nghệ thuật chính của mỗi bài.
Ngoài ra, các thí sinh nên tự kiểm tra lại hệ thống kỹ năng đáp ứng từng kiểu loại câu hỏi trong đề thi. Các em nên ôn tập theo các đơn vị kiến thức cơ bản trong mô hình đề thi mấy năm nay với ba phần: kiểu bài Đọc hiểu / viết đoạn văn nghị luận xã hội / viết bài văn nghị luận văn học.
TS. Trịnh Thu Tuyết cũng lưu ý các thí sinh phần Đọc hiểu luôn gồm một ngữ liệu đọc hiểu và 4 câu hỏi đọc hiểu được sắp xếp theo các cấp độ nhận thức từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng tới vận dụng cao. Các em cần nhận ra những tín hiệu của từng kiểu loại câu hỏi để có phương pháp trả lời phù hợp, tránh trả lời thừa hoặc thiếu.
Với câu viết đoạn văn nghị luận xã hội luôn có nội dung nghị luận quan hệ hữu cơ với nội dung chính của ngữ liệu đọc hiểu. Học sinh cần đặc biệt chú ý đảm bảo hai yêu cầu về nội dung và hình thức của đoạn văn: Về nội dung, chỉ nghị luận một khía cạnh, một bình diện của vấn đề (nguyên nhân/ ý nghĩa/ hậu quả/ giải pháp/ bài học…); về hình thức, cần viết đúng cấu trúc đoạn, viết đúng dung lượng theo yêu cầu trong câu lệnh của đề bài…
Với bài nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất trong đề thi, đòi hỏi các em dành nhiều nhất thời gian và tâm sức. Cần xác định chính xác yêu cầu nghị luận thể hiện trong đề bài, đặc biệt trong câu lệnh, phác sơ lược hướng triển khai nội dung nghị luận để quá trình viết không lan man hoặc sơ sài.
Trước đó, đề thi môn Văn tốt nghiệp THPT 2021 được đánh giá là đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Đề thi vừa sức, quen thuộc, không có cả sự đột biến gây sốc cũng như sự mới mẻ khơi gợi hứng thú sáng tạo; phần Làm văn không có những câu lệnh tạo dư địa cho phản biện và sự thể hiện quan điểm độc lập của thí sinh.
Mức độ phân hóa của đề nếu có cũng chỉ xuất hiện trong câu hỏi Đọc hiểu số 3,4 và trong mức độ thực hiện các yêu cầu của phần Làm văn. Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn của cả nước năm 2021 cho thấy: Có 978.027 thí sinh tham gia thi bài thi Ngữ văn trong đó điểm trung bình là 6,47 điểm, điểm trung vị là 6,5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 172 (chiếm tỷ lệ 0.02%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 117.915 (chiếm tỷ lệ 12,06%).
Năm 2020, đề Ngữ văn trong kỳ thi THPT Quốc gia được nhận xét "quen thuộc" và phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp - như tên gọi của kỳ thi kể từ năm 2020. Học sinh cũng quen thuộc với cấu trúc này nên không bất ngờ, bỡ ngỡ.
Năm 2020, điểm trung bình bài thi môn Ngữ văn là 6,62. Điểm số có nhiều thí sinh đạt được nhất là 7 điểm. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 75.779 (chiếm tỷ lệ 9%). Có 2 thí sinh đạt điểm 10 trong bài thi môn Ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận