Gần như Tết Nguyên đán năm nào cũng thế, các nhà quản lý, khai thác và lực lượng chức năng điều tiết giao thông quanh khu vực sân bay đều “vã mồ hôi”. Lượng người ùn ùn đổ về cảng hàng không, vào khu đón tiễn khiến không khí ngột ngạt, ùn tắc.
Một Việt kiều về quê hương đón Tết cổ truyền có khi có một xe mấy chục người ra đón. Ra Tết tiễn đi cũng thế, có khi còn đông hơn vì ra Giêng ngày rộng tháng dài rảnh rỗi.
Đón tiễn là một nhu cầu chính đáng nhưng nếu quá đông đúc, khó khăn trong di chuyển, gây tắc nghẽn giao thông thì có nên duy trì?
Câu chuyện này được đưa tin trên báo Giao thông, gợi ý cho tôi nghĩ về hai việc: Biểu hiện của “tâm lý đám đông” đang có chiều hướng phát triển và văn hóa giao thông còn rất nhiều điều đáng bàn.
Có phải đi đón đông thì tình cảm hơn đi đón ít và người được đón hạnh phúc hơn? Chuyện này cũng giống như đám cưới vậy, đám cưới phải đông, phải to, phải ăn nhậu 2 - 3 ngày thì mới oai, mới sang, mới vui. Kể cả phải đi vay mượn làm hôn lễ. Kệ sau đó có thể là những tai nạn rình rập trên đường khi người đi đám cưới đã chuếnh choáng hơi men. Cũng kệ luôn những bệnh tật rình rập khi một tháng có chục đám cưới ở làng, đám nào cũng nhậu 1, 2 ngày, thành ra mùa cưới có ông chồng say lướt khướt tối ngày.
Và nữa, sự cuồng nhiệt, hân hoan của người hâm mộ mỗi khi đội tuyển quốc gia có chiến thắng, người ta đổ ra đường đi bão, ừ thì vui nhưng đừng vui quá. Không ít bạn trẻ bốc đồng, đua xe suốt đêm tự gây tai nạn.
Phương Tây tôn trọng tính cá nhân trong mỗi con người. Phương Đông cho rằng, cộng đồng quan trọng. Phải đông mới vui, số đông luôn đúng. Ở ta, có tâm lý, người ta làm được là mình làm được, kể cả làm sai. Nên cái gì đông người ủng hộ là hùa theo nhiều khi mất cả chính kiến.
Ai cũng biết, dân số Hà Nội, TP HCM nay đã đông gấp 5 - 7 lần ngày xưa, trong khi các điều kiện hạ tầng, quản trị xã hội phát triển không tương xứng.
Trước đây, cái bao trùm xã hội là văn hóa làng xã, người dân bị chi phối - quản lý bởi những quy ước tại cộng đồng dân cư. Người Việt trồng những bụi tre bao gồm rất nhiều cây đứng đan xen, cành rậm rịt và gai góc để bảo vệ làng xóm. Phía sau lũy tre ấy là lệ làng, là những thói quen, thấy quen rồi có xấu cũng không muốn thay đổi.
Ngày nay, các đô thị mở rộng nhưng người dân sống trong đô thị vẫn ít nhiều mang tâm lý ứng xử của làng xã. Là thấy người khác vượt được đèn đỏ, mình cũng vượt theo, tranh cướp vài phút mà không sợ chậm cả đời vì tai nạn. Là thấy người ta đi ngược chiều hay lái xe lên vỉa hè về nhà cho nhanh lập tức bắt chước. Mặc kệ, hành vi ấy có thể khiến cả đoạn đường tắc nghẽn.
Nếu ai cũng có trách nhiệm với chính mình, với cộng đồng khi tham gia giao thông chắc chắn sẽ giúp giảm thiểu tình trạng tắc đường. Đi ngoài đường cũng giống như trong cuộc sống, không thể chỉ giành thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho người khác.
Rõ ràng, cử chỉ “văn hóa giao thông” góp phần làm nên nhân cách của mỗi con người. Nó không chỉ thể hiện cho mọi người thấy bạn là người văn minh mà còn góp phần quảng bá hình ảnh con người Việt Nam lịch sự, hòa nhã với bạn bè quốc tế.
Chúng ta có rất nhiều nghị quyết về xây dựng văn hóa. Thiết chế văn hóa có cả “xây” và “chống”. Vì thế, mới có các loại văn bản như Nghị định 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt “Vi phạm quy định về nếp sống văn minh”. Nhưng thực tế cho thấy, không chính quyền nào có đủ lực lượng “giăng ra” để phạt. Điều đó có nghĩa là, chừng nào hành vi của mỗi người còn chưa hợp chuẩn thì sẽ tạo ra thách thức cho xã hội.
Trong khi chờ đợi chính quyền lâu lâu ra tay mở cao điểm xử phạt việc nọ, việc kia như là uống rượu bia lái xe, xả rác, tè bậy ra đường, nên chăng mỗi cá nhân nên khắc chế những thói quen xấu. Thay vì ngồi đó chê bai những điều chưa tốt đẹp trong xã hội, mỗi người hãy làm giầu thêm văn hóa cho chính mình, tạo ra độ khúc xạ văn hóa phù hợp xu thế. Điều này rất cần cho một đất nước hướng tới những giá trị văn minh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận