Xã hội

Đê vừa nâng cấp tốn 300 tỷ đã nứt: Huyện Đan Phượng báo cáo khẩn

11/05/2021, 19:50

Đê Hữu Hồng tại K46+160 vừa đầu tư 300 tỷ nâng cấp đã bị nứt dọc, nguy cơ sạt trượt mái cơ đê phía thượng lưu, huyện Đan Phượng báo cáo khẩn.

img

Mặt đê lún, lõm xuống trông như 2 bậc thềm và được vá víu nham nhở.

Nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa bão

Trao đổi với PV Báo Giao thông chiều nay (11/5), Lãnh đạo huyện Đan Phượng cho biết, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Đan Phượng đã có cáo nhanh về sự cố nứt dọc mặt đê và mặt hành lang thượng lưu đê Hữu Hồng tại K46+160, địa phận xã Liên Hà, huyện Đan Phượng.

Theo báo cáo nhanh của Thường trực văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đoạn đê Hữu Hồng (K46+160) xảy ra sự cố nứt dọc mặt đê và mặt hành lang thượng lưu, kích thước vết nứt dài 25,8m, khe nứt rộng 0,5-4cm. Chiều sâu vết nứt đo thủ công khoảng 30cm. Nguyên nhân được xác định do Công ty cổ phần Nước mặt Sông Hồng chủ đầu tư dự án Nhà máy nước mặt Sông Hồng đang triển khai thi công hạng mục ép cọc cừ móng trạm bơm nước thô gây ra. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời có nguy cơ sạt trượt toàn bộ mái cơ đê phía thượng lưu, ảnh hưởng đến an toàn đê điều dân sinh trong khu vực.

Trước tình trạng trên, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Đan Phượng đã phối hợp với Hạt quản lý đê Đan Phượng, Uỷ ban nhân dân xã Liên Hà cắm biển cảnh báo hạn chế xe cơ giới lưu thông qua khu vực. Lập biên bản kiểm tra hiện trường, đánh giá sự cố, yêu cầu Công ty cổ phần nước mặt Sông Hồng dừng thi công trong phạm vi sự cố, đảm bảo an toàn đê điều, chỉ được phép triển khai thi công tiếp khi khắc phục xong và được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

Đơn vị này cũng đề nghị Sở Nông nghiệp, Chi Cục phòng chống thiên tai chỉ đạo giải quyết, đảm bảm an toàn đê điều và dân sinh trong mùa mưa bão.

Chờ phương án xử lý

Trao đổi với PV Báo Giao thông liên quan đến nội dung này, đại diện Công ty cổ phần Nước mặt Sông Hồng lý giải, nguyên nhân nứt gãy là do xuất hiện nhiều đợt mưa trái mùa, nước ngấm vào đất cộng với xe quá tải chạy qua thường xuyên khiến mất ổn định mặt đê gây ra nứt.

img

Độ lún của đê thấy rõ qua sự võng, chạy vòng vèo của hàng rào tôn

Ngay sau khi xảy ra hiện tượng trên, Công ty Nước mặt Sông Hồng đã đưa ra giải pháp, đắp trả toàn bộ phần mái đê và đắp bệ phản áp tại cao trình+9 để giữ ổn định toàn bộ nền đê. Trong thời gian chờ phê duyệt phương án xử lý lâu dài thì đơn vị đã dừng thi công, khắc phục sự cố.

Ghi nhận tại vị trí xảy ra sự cố chiều 10/5, từ mái xuống sườn đê phía hướng ra sông xuất hiện nhiều vết nứt lớn. Một phần mặt đê đoạn K46+160 bị lún, lõm xuống trông giống như hai bậc thềm bên cao, bên thấp, vá víu nham nhở.

Trước đó Báo Giao thông đã đưa tin, theo Quyết định số 4417/QĐ-BNN-PCTT ngày 30/10/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Nâng cấp đê, kè hữu sông Hồng từ K26+580 đến K32+000 và từ K40+350 đến K47+980 TP Hà Nội, tại huyện Đan Phượng và thị xã Sơn Tây; diện tích sử dụng đất 26,324ha. Dự án có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Thời gian thực hiện dự án nêu trên trong giai đoạn 2017 - 2021 nhằm nâng cấp đê hữu Hồng đoạn từ K40+350 đến K47+980 đảm bảo an toàn đê điều, phòng chống lụt bão; bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, chống lấn chiếm hành lang đê; tạo cảnh quan môi trường; kết nối giao thông trên đê hữu Hồng với mạng lưới giao thông theo quy hoạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phưong.

Đáng nói, đoạn đê trên mới được bàn giao 1 năm, vẫn đang trong thời gian bảo hành thì xảy ra sự cố nứt dọc, sụt lún, đe doạ đời sống của người dân. Hiện vẫn chờ phê duyệt giải pháp khắc phục lâu dài từ các cơ quan chức năng.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục tục thông tin!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.