Gia đình sum họp, cháu con hiếu thuận là cội nguồn của an lạc (tranh minh họa) |
Trước đây, mỗi đận Tết đến, tôi cũng như bao người xung quanh hoan hỉ với việc mua gà, cá, lợn... về giết thịt, cúng Tất niên, rồi mời họ hàng, bạn bè đến ăn uống suốt tuần.
Những ngày cận Tết vô cùng bận rộn cả về phần đời và phần tâm linh, tôi và vợ chia nhau mua bánh kẹo, rượu bia, chè thuốc, đồ ngon vật lạ... để biếu và thết đãi khách.
Rồi không thể quên đồ vàng mã, tiền giấy, hương vòng, hương nén... Tất bật và rộn rã. Bạn bè có người đảm đang, những ngày này bị nhờ mổ và làm tới chục con gà. Toàn quà quê gửi lên.
Thời gian ngày 30 Tết trôi thật nhanh, vèo một cái đã đến lúc dâng mâm cơm tất niên để cúng tổ tiên ông bà. Tôi sai con, sai vợ, người đưa chén rượu, người tìm bài khấn, sắp mũ ông này, hia ông kia cho đúng, gạo muối sẵn sàng... Năm nào sơ suất quên một việc nhỏ thì áy náy, lo lắng, ăn Tết mất vui.
Cúng xong, cả nhà mệt nhoài ngồi ăn bữa cơm cuối năm, bia rượu cụng ly rồi nhanh nhanh lại chuẩn bị mâm cúng giao thừa. Trong nhà, ngoài sân la liệt bày biện, rồi thắp hương thành kính khấn vái tất cả các vị thần, phật, bồ tát để mong các ngài ban cho một năm mới nhiều tiền bạc, hạnh phúc...
Sau giao thừa sang đền lễ đầu năm, mang tiền lẻ đi rải các ban, tiền chẵn bỏ thùng giọt dầu cho nhà đền... Cả nhà đi lễ xong, không thể thiếu túi lộc đầu năm mang về gồm: Bia, coca cola, hoặc 1 chai rượu, 1 cái bật lửa cho năm mới “đỏ”.
3 ngày Tết mệt nhoài trong cúng bái, lễ hội, đón tiếp người thân và bạn hữu với vô số lần say mèm... Tất cả tưởng như không thể thay đổi vì đây là truyền thống từ đời cụ kỵ, ông bà để lại.
Cho đến một ngày cách đây 5 năm, tôi được tiếp cận với giáo lý của Phật giáo. Tôi học, nghe giảng pháp, chiêm nghiệm và chợt hiểu về những điều lành thiện.
Chợt sáng rõ ra những điều trước đây chưa biết. Đó là không thể có được sự an vui khi sát hại chúng sinh để làm vật tế lễ, làm đồ ăn cho mình. Không thể hành thiện khi say rượu làm điều càn quấy. Không thể hoan hỉ khi mình dâng cúng đồ lễ là những món vàng mã giả dối, những chén rượu là nguồn cơn của bất thiện...
Phật giáo giúp tôi thấy nghiệp và quả của nghiệp để hiểu về cách cúng dường và hồi hướng để thân nhân có thể được hưởng phần phước đó, để dứt bỏ tà kiến và mê tín.
Từ năm đó đến nay, gia đình bé nhỏ của tôi đã thật sự hoan hỉ với Tết an lành. Ngày cuối năm không còn mâm cao cỗ đầy, không rượu bia chè chén túy lúy. Ngày đầu năm mới, không phải hỏi thầy hay tra sách hướng nào, giờ nào hợp tuổi, tôi ngộ ra rằng hướng xuất hành tốt nhất là hướng về nơi cha mẹ ta, thầy tổ ta đang sống. Hãy dành những thời khắc đầu tiên của năm mới trong tâm lành thiện bằng cách tìm về nguồn cội để tri ân, báo hiếu. Bạn đã bao giờ hoan hỉ rưng rưng quỳ xuống đảnh lễ cha mẹ - những bậc đại ân nhân đã cho ta cả cuộc sống này chưa? Ta đã phạm nhiều lỗi lầm, làm cha mẹ phiền muộn và đau khổ. Nên ngay khi có thể, hãy về nép vào lòng cha mẹ để tri ân. Tôi tin chắc lúc đó trong mái ấm gia đình sẽ chỉ có một thứ hiện hữu, đó là hạnh phúc và hoan hỉ.
Còn giờ nào đẹp? Chúng ta hãy xuất hành khi ăn no, mặc ấm, khi làm xong những việc cần thiết. Yên tâm rời nhà chính là giờ hoàng đạo cho bạn. Trên đường đi, hãy luôn giữ nụ cười và thái độ vui vẻ với mọi người. Hãy sống chậm lại một chút, nhường nhịn và kham nhẫn một chút để đem lại cho chính mình và những người xung quanh mình sự an vui lành thiện. Với tâm niệm đó, không chỉ có một cái Tết an vui mà cả cuộc đời ta cũng vậy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận