Nhà đầu tư đề xuất 3 phương án xử lý BOT Thái Nguyên - Chợ Mới |
Gánh hơn 200 tỷ lãi vay
Được đầu tư với tổng mức phê duyệt ban đầu hơn 2.700 tỷ đồng, dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới kết hợp nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km 75 - Km100 đã hoàn thành và được Hội đồng nghiệm thu của Bộ GTVT chấp thuận nghiệm thu đưa vào khai thác từ tháng 5/2017. Công trình đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm ùn tắc và TNGT trên tuyến QL3, từng bước hình thành tuyến đường bộ cao tốc kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội. Dự án còn mở cửa thu hút đầu tư, phát triển KT-XH cho hai tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn nói riêng và các tỉnh khu vực Đông Bắc nói chung. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 7 tháng kể từ khi đưa vào khai thác (sau hơn 9 tháng thông xe), dự án vẫn chưa được tiến hành thu giá sử dụng dịch vụ để hoàn vốn dù nhà đầu tư đã tuân thủ đúng các điều khoản hợp đồng, quy định pháp luật và phương án miễn, giảm phí cho các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú tại khu vực xung quanh trạm thu phí BOT.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CIENCO4 (đại diện liên danh nhà đầu tư) cho biết, căn cứ Hợp đồng BOT số 22 ngày 22/7/2015 và các văn bản pháp lý liên quan, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ.
“Theo phương án tài chính và hợp đồng tín dụng với ngân hàng, dự án sẽ bắt đầu thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ từ đầu năm 2017, nhưng thực tế đến nay công tác này vẫn chưa thực hiện được khiến nhà đầu tư chịu áp lực rất lớn từ việc phải trả lãi vay ngân hàng”, ông Huỳnh nói và cho biết, bình quân mỗi tháng nhà đầu tư phải trả khoảng 16 tỷ đồng tiền lãi vay, cộng dồn từ đầu năm đến nay khoảng hơn 200 tỷ đồng (chưa bao gồm trả gốc).
Đề xuất 3 phương án
Trước nguy cơ lâm vào tình trạng vỡ nợ khi dự án chưa có nguồn thu, trong khi vẫn phải duy trì hoạt động bộ máy, chi phí vận hành, bảo trì tuyến đường, nhà đầu tư dự án đã xây dựng 3 phương án đề xuất các cơ quan thẩm quyền xem xét quyết định nhằm sớm xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại, vướng mắc tại dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100.
Phương án 1: Giữ nguyên hai trạm thu giá tại dự án (một trạm đặt trên QL3 cũ và một trạm trên QL3 mới đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới) theo hợp đồng đã ký kết, cho phép nhà đầu tư tổ chức thu giá hoàn vốn trên cơ sở mức giá đã được Bộ Tài chính ban hành và thực hiện phương án miễn, giảm giá cho các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú tại khu vực lân cận trạm thu giá đã được địa phương và nhà đầu tư thống nhất.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 có tổng chiều dài 65km, trong đó, hợp phần QL3 mới đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, chiều dài 40km, bề rộng nền đường 12m. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 2.713 tỷ đồng, do liên danh CIENCO4 - Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc - Công ty CP ĐTXD&TM Trường Lộc làm nhà đầu tư theo hình thức BOT. |
Phương án 2: Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương liên quan quyết định số lượng trạm thu giá, vị trí đặt trạm, mức giá; Trường hợp phương án tài chính của dự án không khả thi, Nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ bằng ngân sách. “Nếu chỉ thu phí trên tuyến QL3 mới đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới, dự án không thể hoàn vốn vì lưu lượng xe chỉ chiếm 10 - 15% trên tổng lưu lượng của toàn tuyến, vì các phương tiện sẽ tiếp tục tập trung đi vào QL3 cũ, khiến tuyến đường này và hệ thống đường ngang trên QL3 bị tàn phá, xuống cấp trầm trọng”, ông Huỳnh phân tích và cho biết, theo tính toán sơ bộ, dự án chỉ đặt một trạm thu giá trên tuyến QL3 đoạn Thái Nguyên - Bắc Kạn, Ngân sách Nhà nước phải hỗ trợ cho dự án khoảng hơn 2.000 tỷ đồng mới đảm bảo phương án tài chính khả thi.
Phương án 3: Nhà đầu tư đề nghị Nhà nước mua lại toàn bộ dự án. Theo phương án này, số tiền Nhà nước phải bỏ ra để mua lại dự án từ nhà đầu tư khoảng gần 3.000 tỷ đồng, gồm: Giá trị tổng mức đầu tư dự án sau khi quyết toán, lãi vay ngân hàng và phần lãi đối với vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.
Cũng liên quan tới công tác thu giá của dự án, trước đó, ngày 23/11, UBND tỉnh Thái Nguyên có Văn bản 5317 đề nghị Bộ GTVT dỡ bỏ một trạm thu giá đặt trên QL3 cũ (Km77+922, QL3 cũ) và cho phép nhà đầu tư thực hiện mở rộng, hoàn thiện đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đặt trạm thu giá trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và đường Thái Nguyên - Chợ Mới.
Đề cập tới vấn đề này, ông Huỳnh nói: “Các hạng mục bổ sung chỉ được thực hiện sau khi dự án thu phí hoàn vốn, đồng thời cần tính toán, xem xét phương án tài chính của dự án có khả thi hay không và phải được sự đồng thuận cao của các chủ thể, đặc biệt là phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định, nhất là khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 437 ngày 21/10/2017 về một số yêu cầu liên quan tới các dự án BOT giao thông. Hơn nữa, hợp đồng cũ của dự án đến nay vẫn chưa được thực hiện, nên việc huy động vốn chủ sở hữu và nguồn vốn vay từ ngân hàng để đầu tư hạng mục bổ sung rất khó khăn và không khả thi”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận