Bất động sản

Đề xuất bán, cho thuê nhà tái định cư bỏ hoang

11/07/2024, 13:15

Hiện nay, trên cả nước có hàng chục nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang, lãng phí nguồn lực Nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế để bán những căn hộ này cho dân an cư, lạc nghiệp, xóa sổ những khu nhà "ổ chuột".

Hà Nội và TP.HCM có khoảng 13.000 căn hộ tái định cư bỏ hoang

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dự án xây dựng nhà tái định cư tại phường Trần Phú, quận Hoàng Mai được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2010, nhằm phục vụ giải phóng mặt bằng Công viên Tuổi trẻ Thủ đô.

Đề xuất bán, cho thuê nhà tái định cư bỏ hoang- Ảnh 1.

Nhà tái định cư tại Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội bỏ hoang. Ảnh: Nguyễn Hùng.

Theo chủ trương đầu tư (năm 2010), dự án có tổng kinh phí 761 tỷ đồng, quy mô dự án là 4 cụm nhà chung cư cao tầng (từ 9 đến 15 tầng) có chức năng là nhà ở với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn chỉnh. 

Hiện 2/4 tòa được xây dựng. Đáng nói, 2 tòa chung cư cơ bản hoàn thiện, có thể đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa có người ở. Lối ra vào tòa nhà đóng kín, cỏ mọc um tùm.

Đề xuất bán, cho thuê nhà tái định cư bỏ hoang- Ảnh 2.

Nhà ở tái định cư N01-D17 Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) bỏ hoang. Ảnh: Nguyễn Hùng.

Tương tự, nhà ở tái định cư N01-D17 tại phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, quy mô 15 tầng nổi, 1 tầng hầm, với hàng nghìn căn hộ cũng bỏ hoang chục năm nay.

Hay như khối nhà 20 tầng tại ô đất CT3 Khu đô thị mới Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy cũng đang trong tình trạng "đắp chiếu".

Theo thống kê của TP Hà Nội, trên địa bàn có khoảng 4.000 căn tái định cư bỏ hoang. Nhiều diện tích kinh doanh dịch vụ cũng bị bỏ trống, không có đơn vị nào thuê hoặc sử dụng.

Còn tại TP.HCM, thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM có gần 9.000 căn hộ tái định cư bỏ trống. Trong đó, riêng khu tái định cư Bình Khánh (TP Thủ Đức) có hơn 5.300 căn không có người ở, dự án Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với hơn 2.000 căn bỏ hoang. Tổng số tái định bỏ hoang tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM khoảng 13.000 căn.

Cần cơ chế bán nhà tái định cư bỏ hoang với giá rẻ

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, các tòa nhà đều được xây dựng với quy mô lớn, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhưng lại bị bỏ không hoặc sử dụng không hiệu quả khiến toàn bộ hạ tầng, các hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng.

Lãnh đạo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều dự án án được xây dựng tại khu vực xa trung tâm, thiếu tiện ích gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển, sinh hoạt. Nhiều khu thiếu hạ tầng cơ bản như trường học, bệnh viện, chợ...

Một số dự án gặp vấn đề về chất lượng xây dựng, vật liệu kém chất lượng, thiết kế không hợp lý và thi công không đạt chuẩn. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến an toàn của cư dân mà còn làm giảm giá trị của các căn hộ, khiến người dân không muốn chuyển đến.

Đề xuất bán, cho thuê nhà tái định cư bỏ hoang- Ảnh 3.

Dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng tại ô đất CT3 Khu đô thị mới Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy.

Phó chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cũng nhìn nhận, hiện nay, để làm một dự án bất động sản các thủ tục chuẩn chuẩn bị có thể kéo dài 3-5 năm, thậm chí có những dự án đến 15 năm. Ách tắc pháp lý là rào cản rất lớn kìm hãm đà tăng của bất động sản.

Trong bối cảnh người dân đang "khát" nhà ở giá rẻ, hàng chục nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang, không người đến ở gây lãng phí lớn. Do đó, cần có cơ chế để chuyển đổi, bán nhà tái định cư cho người dân an cư, lạc nghiệp với giá rẻ, không để lãng phí nguồn lực Nhà nước về nhà ở.

Ông Nguyễn Gia Huy, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Vland (Hà đông) đề xuất: Nhà tái định cư chưa sử dụng có thể tạm thời cho người dân thuê ở, thuê làm văn phòng để tránh lãng phí.

Chi phí thu được sẽ sử dụng duy tu, bảo trì chính các nhà tái định cư đó, đảm bảo qua thời gian vẫn được chăm sóc, vận hành an toàn. Nguồn kinh phí dư thừa thu được từ tiền cho thuê có thể dùng để phát triển nhà ở xã hội, tái định cư và nhiều hoạt động xã hội khác.

"Nếu xác định không dùng đến, nhà tái định cư dư thừa có thể bán cho những người dân có thu nhập thấp nhằm ổn định đời sống cho người dân, xóa sổ những khu ổ chuột, những nhà tập thể cũ kỹ, xập xệ... Còn việc làm như thế nào là do những nhà quản lý. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng cần cẩn trọng, tránh tham nhũng, lãng phí, thất thoát nguồn lực Nhà nước", ông Huy nói.

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu yêu cầu làm rõ trách nhiệm về thực trạng giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội thấp và đề xuất có thể dùng căn hộ tái định cư để hoang phí làm nhà ở xã hội.

Trước những ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, vừa qua Chính phủ đã bàn về vấn đề này và Bộ Tài chính đã đề xuất chuyển các loại nhà tái định cư chuyển sang nhà ở xã hội để giảm lãng phí.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.