Bộ Công thương vừa đưa dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để lấy ý kiến.
Phát lên lưới giá không đồng
Theo dự thảo, Bộ Công thương đưa ra 2 loại hình điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, gồm loại có đấu nối với hệ thống điện quốc gia và không đấu nối với hệ thống điện quốc gia.
Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia sẽ được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.
Còn những dự án có đấu nối vào lưới điện quốc gia, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) vào hệ thống điện quốc gia. Thế nhưng, đơn vị điện lực sẽ ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán.
Đây là điểm bất ngờ khi cách đây vài ngày, tại cuộc do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, một trong những chính sách quan trọng để khuyến khích phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà là cho phép các nguồn điện này được liên kết và phát công suất dư thừa lên lưới điện quốc gia với mức giá theo thời điểm.
Tại dự thảo này cũng nêu rõ, tổng công suất điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia tại mỗi địa phương không vượt quá công suất được phân bổ trong kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Khi muốn lắp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu theo cả 2 loại hình, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều phải đăng ký với Sở Công thương địa phương. Sở Công thương tiếp nhận hồ sơ đăng ký, chuyển hồ sơ đến đơn vị điện lực, các sở ngành có liên quan (Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh) xem xét, giải quyết và trả kết quả trong thời hạn tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, chưa đầy đủ Sở Công thương trả lời tổ chức, cá nhân trong thời hạn tối đa 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.
Điểm đáng lưu ý, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất đặt từ 500 kWp trở lên phải có hệ thống điều khiển từ xa và kết nối với đơn vị điều độ khu vực.
Được miễn trừ giấy phép điện lực
Tại dự thảo, Bộ Công thương cũng liệt kê các chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và làm rõ những quy định trước đây đã từng gây tranh cãi khi phát triển ồ ạt điện mặt trời mái nhà giai đoạn năm 2020.
Cụ thể, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.
Công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được giải quyết các hồ sơ, thủ tục theo cơ chế một cửa liên thông theo quy định tại nghị định này.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân kết hợp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng điện.
Ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu lắp đặt tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công.
Đối với dự án, hệ thống điện mặt trời mái nhà đã vận hành trước ngày 1/1/2021 và đang thực hiện mua bán điện với đơn vị điện lực, dự thảo Nghị định nghiêm cấm hành vi đấu nối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận