Các cửa khẩu vẫn xảy ra hiện tượng ùn tắc
Văn bản do Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh ký nêu rõ: Dự án khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (tại huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) đã được tỉnh phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tổng mức đầu tư của dự án là 3.299 tỷ đồng, với vốn chủ sở hữu là 660 tỷ đồng, được phân kỳ thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là 1.015 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 2.284 tỷ đồng.
Giai đoạn 1 của dự án hiện đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, giao đất, san nền; đang thi công các gói hạ tầng như giao thông sân bãi, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy, cấp điện, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc và nhà làm việc liên ngành. Các gói công trình trên đất khác, lắp đặt thiết bị sẽ khởi công trong quý II/2024 và hoàn tất trong quý III/2024. Giai đoạn 1 của dự án cũng là vị trí mà nhà đầu tư đề xuất bổ sung quy hoạch cảng cạn tại đây.
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, 4 cửa khẩu Hữu Nghị, Chi Ma, Tân Thanh, Cốc Nam là những cửa khẩu chính có lượng hàng hóa thông qua lớn. Tại các cửa khẩu trên vẫn xảy ra hiện tượng ùn tắc kéo dài vào thời điểm mùa vụ nông nghiệp, cuối năm, đặc biệt thời điểm dịch Covid-19.
Do đó, việc bổ sung chức năng cảng cạn tại Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn sẽ đảm bảo đủ điều kiện để hàng hóa xuất nhập khẩu. Đặc biệt, hàng container có thể thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu ngay tại vị trí dự án (mở kẹp chì, đóng rút hàng, đóng thuế xuất nhập khẩu, thể hiện trên vận đơn vị trí điểm đi/điểm đến của hàng hóa…), mà không cần phải thực hiện tại cảng biển hay cửa khẩu. Từ đó, rút ngắn thời gian luân chuyển hàng hóa, tránh ùn tắc phương tiện, nhất là ở các vị trí thông quan.
Đảm bảo điều kiện để thành lập cảng cạn
Nói về điều kiện để thành lập cảng cạn tại khu trung chuyển hàng hóa này, UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định, dự án đảm bảo các điều kiện cần về hạ tầng kết nối giao thông, cơ sở hạ tầng, quỹ đất xây dựng để hình thành cảng cạn theo quy định.
Cụ thể, dự án nằm tuyến hành lang vận tải hàng hóa huyết mạch, hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hồ Chí Minh - Mộc Bài, kết nối với cảng biển Hải Phòng, cảng biển Quảng Ninh qua hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xuất nhập khẩu hàng hóa cho cả nước, kết nối với nước bạn Trung Quốc.
Cùng đó, dự án kết nối trực tiếp với Quốc lộ 1A và cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn (kết nối đường bộ) và kết nối trực tiếp với đường sắt Bắc – Nam, đảm bảo điều kiện có ít nhất 2 phương thức vận tải.
Dự án cũng bảo đảm đủ diện tích để bố trí nơi làm việc cho các cơ quan, tổ chức hữu quan và đủ quỹ đất để đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài, cũng như bảo đảm yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, dự án cần đảm bảo điều kiện là được cơ quan có thẩm quyền bổ sung vào Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Từ đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch cảng cạn tại khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn trên địa bàn xã Phú Xá và xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn vào Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, đề nghị Cục Hàng hải VN hướng dẫn trình tự, thủ tục bổ sung cảng cạn tại dự án vào Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn.
Cảng cạn Yên Trạch (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), kết nối hạ tầng giao thông (đường bộ: Quốc lộ 1; đường sắt: Hà Nội - Lạng Sơn), kết nối cửa khẩu Lạng Sơn. Giai đoạn đến 2030 có diện tích quy hoạch là 5ha và năng lực thông qua là 50.000 Teu/năm, giai đoạn đến 2050 có diện tích dự kiến là 85ha.
Cảng cạn Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn), kết nối hạ tầng giao thông (đường bộ: Quốc lộ 1; đường sắt: Hà Nội - Lạng Sơn), kết nối cửa khẩu Lạng Sơn. Giai đoạn đến 2030 có diện tích quy hoạch là 15-20ha và năng lực thông qua là 150.000 - 200.000 Teu/năm, giai đoạn đến 2050 có diện tích dự kiến là 50ha.
Cảng cạn Na Dương (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn), kết nối hạ tầng giao thông (đường bộ: Quốc lộ 4B; cao tốc Lạng Sơn - Trà Lĩnh), kết nối cảng biển Quảng Ninh với cửa khẩu Lạng Sơn, giai đoạn đến 2050 có diện tích dự kiến là 45ha.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận