Bộ GTVT cho biết thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và chủ động rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để Bộ GTVT gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét quyết định.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, môi trường làm việc và sức khỏe người lao động ngày càng được quan tâm, đảm bảo.
Bên cạnh đó, ngành giao thông vận tải cũng có thêm nhiều nghề, công việc mới cần được bổ sung vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Do vậy, để tạo điều kiện cho người lao động công tác trong các ngành, nghề trên được hưởng những chính sách hỗ trợ của nhà nước, Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của cử tri và đã có văn bản số 2912/BGTVT-TCCB ngày 19/3/2024 yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát tổng thể các lĩnh vực đăng kiểm để đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cho phù hợp với thực tế các công việc trong lĩnh vực đăng kiểm.
Việc sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 29/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động.
"Căn cứ kết quả phân loại lao động theo phương pháp được quy định tại Thông tư 29/2021 và trên cơ sở văn bản đề xuất của người sử dụng lao động; trường hợp cần thiết sửa đổi, bổ sung, Bộ GTVT sẽ xem xét, tổng hợp và gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định việc sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; đảm bảo quyền lợi chính đáng đối với người lao động theo quy định của pháp luật", Bộ GTVT nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận