Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại dự thảo mới nhất Quy chuẩn sửa đổi QCVN 09:2015 về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô, ban soạn thảo đã bỏ đề xuất phân chia 6 cấp độ của hệ thống hỗ trợ người lái nâng cao lắp đặt trên xe ô tô.
Thay vào đó, dự thảo Quy chuẩn quy định các hệ thống hỗ trợ người lái nâng cao (ADAS) nếu được trang bị trên xe, nhà sản xuất phải công bố với cơ quan quản lý về thông số kỹ thuật và cung cấp các tài liệu của nhà sản xuất chứng minh các chức năng an toàn của hệ thống ADAS phù hợp với thông số kỹ thuật và vận hành an toàn của xe.
Hệ thống hỗ trợ người lái nâng cao (ADAS) và các phương tiện giao thông thông minh (xe tự động, xe tự hành) phải có các tài liệu liên quan để chứng minh sự vận hành an toàn của các phương tiện và phù hợp với các quy định hiện hành của các hệ thống trên xe.
Trong đó, kích thước, kết cấu, tổng thành linh kiện lắp ráp ô tô phải phù hợp các quy định hiện hành.
Phải phù hợp với các quy định hiện hành về hệ thống điều khiển xe (bao gồm: Tín hiệu, quá trình lái, quá trình tăng tốc và quá trình phanh), hệ thống cung cấp thông tin, tình trạng của xe và môi trường xung quanh xe trong thời gian thực; Hệ thống giám sát quá trình điều khiển xe; Hệ thống cung cấp thông tin an toàn, kết nối với các loại phương tiện tham gia giao thông khác; Hệ thống cảnh báo khả năng gây tai nạn giao thông hoặc thông báo để lái xe xử lý tình huống.
Ngoài ra còn cần đồng bộ dữ liệu, kết nối các phương tiện khác dưới các nền tảng khác nhau của hệ thống giao thông.
Các thông tin như: Hình ảnh, tín hiệu, dữ liệu từ các hệ thống thiết bị điện tử có khả năng giám sát hành trình, định vị, kết nối được lắp đặt trên xe và thu thập được trong quá trình xe hoạt động phải phù hợp với quy định quản lý, lưu trữ, bảo mật thông tin, liên quan đến các vấn đề về an ninh quốc phòng của quốc gia, tại lãnh thổ xe đăng ký sử dụng để tránh rò rỉ thông tin.
Theo ban soạn thảo, đối với hệ thống ADAS và các loại phương tiện thông minh, thế giới chưa nhất quán về quy định cho loại phương tiện này. Ngoài ra, các hệ thống được xây dựng trên nhiều nền tảng kỹ thuật khác nhau dẫn đến việc thực hiện chứng nhận, thử nghiệm cũng chưa có quy định đồng nhất.
Mặt khác, không chỉ duy nhất hệ thống UNECE quy định một số hệ thống ADAS mà các hãng sản xuất cũng tự phát triển các hệ thống này cho riêng mình nên không thể quy định cụ thể các yêu cầu kỹ thuật vì điều này dựa trên yếu tố phát triển công nghệ của hệ thống.
Tại Việt Nam, chưa có thiết bị, quy định cụ thể (tiêu chuẩn và quy chuẩn) đối với các hệ thống và phương tiện trên nên việc quy định sẽ mang tính chung và thừa nhận kết quả thử nghiệm an toàn, chứng nhận an toàn từ nước ngoài về hệ thống ADAS. Nhà sản xuất sẽ công bố thông tin và đảm bảo an toàn cho các hệ thống này khi lắp ráp hoặc sử dụng trên phương tiện.
Dự thảo Quy chuẩn đã bổ sung khái niệm về hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao là hệ thống để hỗ trợ người lái xe và tăng cường an toàn trên đường; Có các hệ thống cảnh báo để thông báo về các mối nguy cơ về an toàn; Các hệ thống điều khiển giúp cho việc điều khiển hệ thống lái dễ dàng hơn trong các tình huống bình thường, tránh hoặc giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của va chạm trong các tình huống nguy hiểm.
Trong khi đó xe tự động là xe được thiết kế và chế tạo để tự động di chuyển trong một khoảng thời gian, điều kiện giao thông nhất định mà không cần sự giám sát liên tục của người lái xe và người lái xe chỉ can thiệp khi cần thiết.
Xe tự hành là xe tự động di chuyển toàn thời gian trong mọi điều kiện giao thông mà không cần có sự giám sát, can thiệp của người lái xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận