Công nghệ mới

Đề xuất buộc các công ty Trung Quốc phải vận hành máy chủ tại Hàn Quốc

24/02/2025, 18:52

Các chuyên gia và quan chức trong ngành vừa đề xuất chính phủ Hàn Quốc nên đưa ra các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với các công ty Trung Quốc bằng cách yêu cầu họ lưu trữ máy chủ tại nước này, hoặc dùng các trung tâm dữ liệu tại xứ sở kim chi.

Nguy cơ rò rỉ dữ liệu người tiêu dùng Hàn Quốc

Những lo ngại này xuất hiện sau sự mở rộng nhanh chóng của các công ty Trung Quốc tại đây, chẳng hạn như Roborock, Temu và BYD. Các chuyên gia bảo mật khuyên chính phủ Hàn Quốc nên đưa ra các biện pháp đối phó mạnh mẽ để ngăn chặn khách hàng địa phương trở thành nạn nhân của các luồng dữ liệu có khả năng chảy về Trung Quốc hoặc các quốc gia khác.

Đề xuất buộc các công ty Trung Quốc phải vận hành máy chủ tại Hàn Quốc- Ảnh 1.

Chuyên gia và quan chức trong ngành đề xuất chính phủ buộc các công ty Trung Quốc vận hành máy chủ tại Hàn Quốc.

"Các nhà chức trách Hàn Quốc được khuyến cáo nên buộc các công ty Trung Quốc thiết lập máy chủ của họ tại Hàn Quốc bằng cách tăng cường các quy định có liên quan", Giáo sư về kỹ thuật thông tin và máy tính tại Đại học Ajou, Kim Ki-hyung đề xuất.

"Các mức độ quản lý của Hàn Quốc không nghiêm ngặt như ở châu Âu. Chính phủ Hàn Quốc cần đặc biệt tăng cường giám sát khả năng rò rỉ dữ liệu từ khu vực công và các tổ chức tài chính", ông Kim nói thêm.

Vấn đề cấp bách mới nhất đã được Temu, một nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) của Trung Quốc, đưa ra quyết định cho phép 27 công ty bên thứ ba tại 6 quốc gia - Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Australia và Indonesia - xử lý thông tin cá nhân của khách hàng Hàn Quốc bao gồm địa chỉ, số điện thoại và mã hải quan theo chính sách mới.

Người dùng từ chối chấp nhận chính sách này sẽ không thể truy cập dịch vụ. Trước đây, nền tảng TMĐT Temu yêu cầu người dùng chỉ cần cung cấp dữ liệu cho các khoản thanh toán ở nước ngoài. Doanh nghiệp của Trung Quốc giải thích quyết định này nhằm mục đích "cung cấp các dịch vụ hiệu quả", nhưng những lo ngại về khả năng rò rỉ dữ liệu vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.

Chính sách của Roborock, công ty dẫn đầu thị trường robot hút bụi của Hàn Quốc, cũng đang gây ra những lo ngại. Theo chính sách dữ liệu của công ty, nhà sản xuất máy hút bụi robot thông minh của Trung Quốc có thể chia sẻ thông tin cá nhân của khách hàng Hàn Quốc với Tuya, một nhà điều hành nền tảng nhà thông minh của Trung Quốc.

Buộc các công ty Trung Quốc phải sử dụng máy chủ tại Hàn Quốc

Đáp lại những lo ngại ngày càng gia tăng, Tổng giám đốc Roborock khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Dan Cham đã thừa nhận trong cuộc họp báo hôm thứ năm tuần trước tại Seoul rằng có thể có nhiều cách diễn giải khác nhau về cách diễn đạt trong chính sách này. Ông nói thêm, công ty đang xem xét các bản sửa đổi có thể có để cải thiện nhiều thuật ngữ và cách diễn đạt khác nhau.

Đề xuất buộc các công ty Trung Quốc phải vận hành máy chủ tại Hàn Quốc- Ảnh 2.

Temu cho phép 27 công ty bên thứ ba tại 6 quốc gia - Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Australia và Indonesia - xử lý thông tin cá nhân của khách hàng Hàn Quốc.

BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, cũng gây ra những rắc rối tương tự khi công bố về kế hoạch tích hợp phần mềm DeepSeek vào các phương tiện của mình. BYD Hàn Quốc cho biết các phương tiện có phần mềm này sẽ chỉ được bán tại Trung Quốc trong thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, vì các cơ quan chính phủ và các công ty tại Hàn Quốc đã chặn quyền truy cập vào dịch vụ chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) của DeepSeek, nên bản thân quan hệ đối tác giữa BYD và DeepSeek đã gây ra những lo ngại về an ninh tại đây.

Các chuyên gia an ninh khác cũng kêu gọi chính phủ nhanh chóng thực hiện các bước đi mang tính thể chế. Lee Ha-cheol, Giáo sư công nghệ thông tin tại Đại học Yuhan cho biết: "Các công ty Trung Quốc sẽ không muốn thiết lập máy chủ tại Hàn Quốc, vì vậy một quy định thực tế là bắt buộc họ phải sử dụng các trung tâm dữ liệu tại Hàn Quốc, chẳng hạn như các trung tâm do Amazon Web Services vận hành".

Các nhà chức trách địa phương đang điều tra một nhóm các công ty thương mại điện tử của Trung Quốc - chẳng hạn như AliExpress và Temu - để xem họ có vi phạm bất kỳ quy tắc nào về thu thập dữ liệu cá nhân tại đây hay không. Theo Ủy ban Bảo vệ Thông tin Cá nhân, họ sẽ sớm công bố kết quả điều tra về sàn TMĐT Temu.

Các quan chức trong ngành công nghệ thông tin địa phương đã thúc giục chính phủ Hàn Quốc tăng cường biện pháp quản lý đối với các công ty Trung Quốc như với các đối thủ khác tại xứ sở kim chi.

(Nguồn KoreaTime)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.