Cần cơ chế đột phá phát triển công nghiệp dược
Chiều nay (16/4), tại phiên họp 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sửa đổi một số nội dung quy định nhằm khuyến khích, ưu đãi cho các cơ sở sản xuất trong nước.
Khuyến khích gia công, chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam nguyên liệu làm thuốc, thuốc generic hoặc thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, vaccine, sinh phẩm, thuốc ứng dụng công nghệ cao, thuốc sản xuất từ nguồn dược liệu Việt Nam.
Đồng thời, rút ngắn trình tự thủ tục cấp phép lưu hành đối với các thuốc này; mở rộng quyền của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc có vốn đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó bổ sung trách nhiệm các bộ liên quan trong việc chủ trì áp dụng khoa học và công nghệ để phát triển ngành công nghiệp hóa dược và chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quản lý các hoạt động chọn, tạo giống, nuôi trồng và thu hái dược liệu; phổ biến kỹ thuật nuôi trồng, phòng, chống bệnh hại trên cây thuốc, động vật làm thuốc.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, các chính sách về ưu đãi phát triển công nghiệp dược còn chung chung và mang tính nguyên tắc.
Do đó, đề nghị Chính phủ cần làm rõ những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sớm có giải pháp, chính sách cụ thể, đặc thù, nhất là trong lĩnh vực ưu đãi đầu tư để đáp ứng mục tiêu phát triển sản xuất dược liệu, sản xuất thuốc, vắc xin trong nước trong giai đoạn tới và cụ thể hóa hơn nữa chính sách “tạo điều kiện thuận lợi về trình tự, thủ tục đăng ký lưu hành”, “ưu tiên về trình tự, thủ tục” trong dự thảo luật.
Thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá, với đất nước hơn 100 triệu dân thì nhu cầu về thuốc là rất lớn, tuy nhiên chúng ta chưa làm chủ được công nghiệp dược nên việc nghiên cứu các chính sách đột phá phát triển công nghiệp dược là cần thiết.
Tuy vậy, ông Hoàng Thanh Tùng cũng băn khoăn khi quy định chưa thật cụ thể, chủ yếu dừng lại ở quan điểm, chính sách.
“Thế nào là ưu đãi đầu tư, ưu đãi đặc biệt cho nghiên cứu khoa học? Nên bổ sung chính sách cụ thể ưu đãi cái gì, thu hút đầu tư thế nào thì mới có điều kiện thực hiện, mới đi vào cuộc sống dễ hơn. Luật này không cụ thể thì nghị định của Chính phủ cũng rất khó quy định khác. Hơn nữa, luật này có quy định ưu đãi cụ thể khác với Luật Đầu tư thì cũng không có vấn đề vì Luật Đầu tư cho phép”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu quan điểm.
Cho ý kiến vào dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự chuẩn bị, xây dựng công phu, nghiêm túc cũng như có bước tiến rất lớn về tư duy trong dự án luật này.
Nêu thực tế đa số thuốc thông thường Việt Nam đã tự sản xuất được, song nguyên liệu làm thuốc, rồi nhiều thuốc đặc trị, thiết yếu chủ yếu phải nhập khẩu, Chủ tịch Quốc hội khẳng định việc phát triển ngành dược là rất quan trọng, vừa là vấn đề kinh tế, vừa liên quan chăm sóc sức khỏe nhân dân.
“Cần quan tâm, có chính sách thúc đẩy. Tiềm năng của mình rất lớn. Thực tế ngành dược cũng giỏi. Hầu như thuốc thông thường sản xuất được hết, chủng loại tốt, giá cả phải chăng”, ông Vương Đình Huệ nói.
Cần quy định cụ thể các loại thuốc được kinh doanh thương mại điện tử
Về bổ sung quy định về các hình thức, phương thức kinh doanh mới, dự thảo luật bổ sung quy định kinh doanh chuỗi nhà thuốc và kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử.
Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc bổ sung này là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhưng đề nghị làm rõ nội hàm “kinh doanh chuỗi nhà thuốc”, cụ thể hơn các quy định điều kiện thành lập, cách thức hoạt động, cơ chế quản lý để có căn cứ xem xét, bảo đảm tính khả thi và tính đồng thuận.
Theo Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh, đối với kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử (online-PV), cần quy định cụ thể hơn về các loại thuốc được kinh doanh, các hình thức kinh doanh được thực hiện theo phương thức thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán để tạo sự minh bạch của quy định và bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
“Nếu quy định bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử, thì chỉ nên áp dụng với thuốc không kê đơn. Bên cạnh đó, cần rà soát quy định về thương mại điện tử để bảo đảm phù hợp với Luật Giao dịch điện tử”, bà Nguyễn Thuý Anh nói.
Góp ý về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh thuốc là loại hàng hóa rất đặc biệt nên cần nghiên cứu, tìm điểm cân bằng để có độ mở phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thương mại và bảo vệ sức khỏe người dân.
“Bán thuốc nói chung và bán qua thương mại điện tử phải được kiểm soát chặt và cần đánh giá tác động rất cụ thể”, ông Vương Đình Huệ lưu ý và đề nghị ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp để có quy định phù hợp về vấn đề này, trong đó tham khảo kinh nghiệm của các nước, rõ quyền và trách nhiệm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận