Theo Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), miễn đóng phí công đoàn là biện pháp hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp cả về mục tiêu duy trì dòng vốn cũng như tiết giảm thời gian, công sức đối với các quy trình thủ tục hành chính, đồng thời cũng thể hiện được tinh thần “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp và Chính phủ, vì việc làm bền vững và thu nhập ngày càng cao của người lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.
Theo Chỉ thị 11/CT-TTg, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho phép lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đối với các doanh nghiệp có 50% số lao động thuộc diện đóng BHXH phải nghỉ việc.
Tuy nhiên, qua khảo sát doanh nghiệp diện rộng cho thấy doanh nghiệp hầu như không thực hiện được chính sách này bởi dù hết sức khó khăn do chuỗi sản xuất đứt gãy, nhiều ngành doanh thu gần như bằng không suốt thời gian dài nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng sản xuất cầm chừng, phân chia ca kíp, trả lương tối thiểu... để ổn định đời sống người lao động, giảm gánh nặng và chi phí tuyển dụng lại cho chính doanh nghiệp. Do không muốn sa thải công nhân nên doanh nghiệp hầu như không đạt tiêu chí “có 50% số lao động thuộc diện đóng BHXH phải nghỉ việc” dù thực tiễn hết sức khó khăn.
Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) đề nghị đưa vào Nghị quyết của Chính phủ “Về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19” mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo
Bên cạnh đó, việc chứng minh thiệt hại cả về người và tài sản là hết sức phức tạp và đòi hỏi các quy trình hành chính mất rất nhiều thời gian, nhất là với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, vận tài hàng hóa đường bộ, logisitcs, du lịch, hàng không... chỉ cần cắt giảm 20% lao động đã là hàng chục thậm chí hàng trăm nghìn người mất việc.
“Nếu đã phải cho nghỉ việc 50% tổng số lao động đóng BHXH thì tương đương với tình trạng doanh nghiệp đã kiệt quệ, chết lâm sàng, không thể thu xếp tài chính để chi trả cho các khoản phí như trên. Cho nên, chính sách “hoãn đóng kinh phí công đoàn một số tháng trong năm 2020” dường như không đạt được mục tiêu chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh như cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự định”, Ban IV phân tích.
Cũng với phân tích trên, Ban IV cho rằng hiện hầu hết các doanh nghiệp không thực hiện được chính sách được tạm dừng đóng vào quỹ tử tuất, quỹ hưu trí trong 12 tháng nếu doanh nghiệp có “số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra”.
Bên cạnh đó, khoản tiền đóng BHXH và các loại bảo hiểm bắt buộc khác đang chiếm tỷ trọng chi không hề nhỏ trong quỹ tiền của doanh nghiệp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì dòng tiền, tập trung chi phục hồi sản xuất kinh doanh, chi ổn định đời sống người lao động, các Hiệp hội và doanh nghiệp đặc biệt đề xuất ngoài miễn phí công đoàn năm 2020 thì được chậm nộp BHXH, chậm nộp các khoản bảo hiểm bắt buộc khác đến hết 31/12/2020.
Ngoài ra, Ban IV cũng kiến nghị giảm 50% thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 5% để giảm chi phí cho người tiêu dùng để kích cầu; Giảm 30% tiền thuê đất trong 6 tháng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh bị ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Giảm 50% tiền thuê đất trong 9 tháng đối với các doanh nghiệp lưu trú du lịch (khách sạn, khu nghỉ dưỡng…), công viên; Miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước… trong năm 2020 tạo tiền đề giảm giá nước sạch trong ngay trong năm nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận