Ngày 5/9, Bộ Tư pháp đang thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, thực hiện.
Một trong những nội dung đáng chú ý được Ban soạn thảo nêu trong dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) đó là bổ sung quy định về giải quyết trường hợp phạm nhân có nguyện vọng hiến mô, một phần bộ phận cơ thể người.
Đây là quy định mới chưa được đề cập trong Luật Thi hành án hình sự năm 2019. Theo Ban soạn thảo, việc bổ sung các quy định về quyền phạm nhân được tham gia bảo hiểm y tế, quyền hiến mô, một phần bộ phận cơ thể con người góp phần đảm bảo quyền con người, thể hiện được tính nhân văn trong xây dựng, phát triển văn hóa - xã hội và xây dựng con người.
Tuy nhiên, Bộ Công an đánh giá, chính sách này sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính trong thực hiện quyền của phạm nhân khi có nguyện vọng hiến mô, một phần bộ phận cơ thể con người.
Theo đề xuất, trường hợp phạm nhân có nguyện vọng hiến mô, một phần bộ phận cơ thể con người thì cơ sở giam giữ phạm nhân phối hợp với Sở Y tế trên địa bàn xác định cơ sở y tế có đủ điều kiện lấy mô, bộ phận cơ thể người.
Trước khi phạm nhân hiến mô, một phần bộ phận cơ thể con người, cơ sở y tế có đủ điều kiện lấy mô, bộ phận cơ thể người phối hợp với cơ sở giam giữ đánh giá tình trạng sức khỏe của phạm nhân, đảm bảo cho họ tiếp tục chấp hành án.
Trong thời hạn 5 ngày từ khi có đánh giá về tình trạng sức khỏe của phạm nhân sau khi hiến mô, một phần bộ phận cơ thể con người, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, cơ quan thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.
Tiếp đó, trong thời hạn 5 ngày sau khi nhận được báo cáo, cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, cơ quan thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng trả lời bằng văn bản về việc đồng ý hoặc không đồng ý. Trường hợp không đồng ý nêu rõ lý do.
Khi có văn bản trả lời, cơ sở y tế có đủ điều kiện lấy mô, bộ phận cơ thể người phối hợp với cơ sở giam giữ phạm nhân thực hiện các trình tự, thủ tục, chế độ, chính sách đối với phạm nhân đó theo quy định của pháp luật.
Cũng theo dự thảo, Bộ Công an đề xuất Chính phủ quy định chi tiết về việc cơ sở y tế có đủ điều kiện lấy mô, bộ phận cơ thể người có trách nhiệm xác nhận về việc phục hồi sức khỏe của phạm nhân sau khi hiến, thông báo cho cơ sở giam giữ để đưa phạm nhân quay lại tiếp tục chấp hành án.
Bộ Y tế thống kê, hiện cả nước có hơn 86.000 người đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2024, số người chết não hiến mô tạng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, toàn quốc hiện có 26 bệnh viện thực hiện ghép tạng thành công, ghép được hầu hết tạng trên người như thận, gan, tim, phổi, tụy. Với hơn 1.000 ca ghép tạng mỗi năm, Việt Nam là nước Đông Nam Á duy nhất có số lượng ghép tạng mỗi năm cao hơn 1.000 ca.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận