Tổng Thanh tra CP Lê Minh Khái phát biểu thảo luận tại tổ |
Đối tượng kê khai tài sản quá rộng
Nhấn mạnh đã sửa luật thì chất lượng luật phải cao hơn, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái góp ý luật này nên được cho ý kiến qua mấy kỳ họp không quan trọng, nên chậm một chút nhưng chắc, chất lượng cao hơn, tổ chức thực hiện khả thi. Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, luật sửa đổi lần này phải tập trung vào “phòng là chính”, phải thiết kế làm sao để người có ý đồ tham nhũng không tham nhũng được. “Điều quan trọng nhất là phải xây dựng được các công cụ để phòng ngừa tham nhũng. Nếu chúng ta làm tốt điều này thì tổ chức thực hiện hiệu quả mới cao, sẽ bịt được các kẽ hở để hạn chế tham nhũng, từ đó sẽ ít phải xét xử, xử lý các vụ án tham nhũng hơn. Còn đã để xảy ra tham nhũng, xử lý các vụ việc đều rất đau lòng; xử tù tội, tử hình một con người sẽ ảnh hưởng đến cả gia đình, dòng tộc…”, ông Khái nói.
“Vậy phải làm sao không để xảy ra tham nhũng?”, tân Tổng Thanh tra đặt câu hỏi và cho rằng, con người khi thấy tiền trước mặt thì lòng tham dễ nổi lên, nếu không để xảy ra chuyện này sẽ không có tham nhũng. Còn khi đã xảy ra tham nhũng, phải xử lý cương quyết để không dám tham nhũng nữa. Chia sẻ kỹ hơn về các công cụ để kiểm soát, ngăn chặn tham nhũng, ông Khái cho biết, có rất nhiều công cụ. Thứ nhất là thiết kế quy chế chặt chẽ về tiêu chuẩn cán bộ, định mức công tác hay việc chuyển công tác vì “cán bộ làm lâu một vị trí sẽ có quan hệ”. Thứ hai là phải quản lý được tài sản của cán bộ, buộc công khai tài sản phải trung thực, xác minh nguồn gốc tài sản… Trên cơ sở đó, ông Khái mong muốn các ĐBQH thảo luận, góp ý Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để làm sao thiết lập được khuôn khổ pháp lý thật chặt, không có kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để tham nhũng và có cơ chế kiểm soát.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý luật phải đảm bảo tính khả thi, rõ ràng, vì đụng chạm đến con người, tổ chức, cá nhân cụ thể. Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, theo ông, một năm với hơn 1 triệu người kê khai cho thấy đối tượng kê khai còn quá rộng, vì thế nên thu hẹp lại, xác định rõ đối tượng và bổ sung thêm đối tượng ở những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng. “Nếu tất cả công chức kê khai thì tràn lan, không kiểm soát được. Về nơi công khai, nếu chỉ công khai ở chi bộ cũng không hợp lý bởi cán bộ công chức không phải tất cả đều là đảng viên. Vì thế, nên công khai cả ở nơi cư trú để dân kiểm soát”, ông góp ý.
“Bí” trong việc giải quyết tài sản không rõ nguồn gốc
Góp ý cụ thể vào dự án luật, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đặt vấn đề: Câu chuyện ở một số địa phương cho thấy sau khi xác minh dấu hiệu vi phạm thì xử lý tài sản thế nào hay mặc nhiên cho tồn tại? “Cần nghiên cứu đưa vào luật để có hướng tạo hành lang pháp lý. Cùng một vị trí công tác nhưng tài sản người này người kia như thế, nói tôi kê khai rồi mặc nhiên cho tồn tại trong khi quan trọng là nguồn gốc tài sản đó thế nào!”.
ĐB Phạm Công Hồng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng đừng kỳ vọng luật này ra đời có thể chống được tham nhũng nếu không triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Kể cả luật hiện hành mà thực hiện triệt để, nghiêm túc thì tình hình đã khác, bởi luật dù chặt chẽ mà triển khai thực hiện không đến nơi đến chốn thì cũng không có kết quả.
Liên quan đến vấn đề xử lý tài sản không rõ nguồn gốc, ông Hồng cũng thừa nhận còn “bí”. Nhiều nước cho đó là tài sản bất minh và tịch thu dân sự. Nhưng luật của ta không cho phép, trách nhiệm chứng minh thuộc về Nhà nước nên không giải quyết được.
Phải công khai, minh bạch, “càng giấu càng chết”
ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội góp ý, luật này chỉ cần tập trung vào 3 vấn đề quan trọng nhất. Một là, ai có khả năng, nguy cơ tham nhũng thì kiểm soát, đưa vào đối tượng. Nếu đưa quá nhiều, đưa tràn lan nhưng khả năng quản lý không có thì không kiểm soát được. Thứ hai, khi xác định được đối tượng rồi thì công khai đến đâu? Theo ông Lợi, phương án công khai ở cơ quan nơi làm việc và công khai nơi cư trú thì dân rất yên tâm, còn nếu nói công khai chi bộ thì “quá bằng giấu kín đi”. Bởi ông cho rằng công khai ở chi bộ không có ý nghĩa gì vì ở đó “chẳng ai chê ai bao giờ”. “Phải nhấn mạnh việc công khai, minh bạch, càng giấu càng chết”, ông Lợi nhấn mạnh và lấy dẫn chứng “như bồ nhí, càng giấu càng tìm”.
Vấn đề thứ ba, về biện pháp kiểm soát tài sản, dự luật quy định cán bộ công chức giao dịch trên 20 triệu thì phải thanh toán qua tài khoản, nhưng ông Lợi băn khoăn: “Tại sao lại chỉ quy định trên 20 triệu, dưới thì sao không kiểm soát, vì nhiều lần 20 triệu cũng thành bạc tỷ rồi”.
Đồng tình, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, muốn chống được tham nhũng thì minh bạch, công khai là yêu cầu số 1. “Các hợp đồng kinh tế, chương trình, dự án phải công khai minh bạch. Lâu nay chúng ta nói đấu thầu, nhưng trong quá trình đó vẫn hình thành các nhóm lợi ích biến việc đấu thầu thành hợp lệ, trong khi bên trong vẫn bắt tay ngầm với nhau”, ông Vương nói và cho rằng từng lĩnh vực phải chuẩn hoá các quy định trong hoạt động của ngành, như ngành Công an phải chuẩn hoá quy trình tuần tra của CSGT. “Vừa rồi báo chí phản ánh, chúng tôi xem xét, kiểm tra ngay, căn cứ vào quy trình công tác thấy sai là xử lý luôn”, ông Vương dẫn chứng.
Về quản lý kê khai, kiểm soát thu nhập, tướng Vương nhấn mạnh rất cần thiết, chúng ta cần tiến tới kiểm soát giao dịch qua tài khoản để khi phát sinh cái gì lớn là kiểm soát được ngay.
Cần mở rộng diện đối tượng kê khai tài sản Với quy định về việc cán bộ thuộc đối tượng kiểm soát phải kê khai tài sản, thu nhập của cả người thân, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, có nghịch lý khi chỉ buộc kê khai tài sản của con chưa thành niên - đối tượng vẫn phải sống phụ thuộc, gần như không có tài sản trong khi con đã thành niên lại rất nhiều khả năng để “tiếp tay” cho việc tẩu tán tài sản tham nhũng lại không phải kê khai. Vì thế, mở rộng diện đối tượng trong trường hợp này chính là để theo dõi sự biến động tài sản của cán bộ. ĐB Nguyễn Quang Tuấn cũng băn khoăn về quy định kê khai tài sản của người thân cán bộ. “Như vụ VN Pharma vừa qua, khi lãnh đạo Bộ Y tế vừa khẳng định, không có người thân tham gia doanh nghiệp thì lại có thông tin cho thấy, em chồng của Bộ trưởng tham gia. Việc này dù được giải thích em chồng không thuộc đối tượng phải kê khai trong bảng kê tài sản của Bộ trưởng thì cũng đã tạo ra dư luận không tốt. Vậy thì, phải đưa vào quy định việc phải kê khai với cả bố mẹ, vợ chồng, con, anh chị em ruột và anh chị em vợ/chồng”, ông Tuấn nói. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận