CSGT sẽ công khai những kế hoạch gì?
Bộ Công an đang dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT).
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2020 là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện công tác dân chủ; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Trao đổi thêm với PV Báo Giao thông, đại diện Cục CSGT khẳng định, người dân, người vi phạm hay bất kỳ ai đều có quyền giám sát lực lượng đang làm nhiệm vụ. Họ có thể giám sát trực tiếp, qua báo chí hoặc thông qua thiết bị (ghi âm, ghi hình).
Tuy nhiên, người dân chỉ được giám sát CSGT ở khu vực bên ngoài phạm vi làm việc của lực lượng tuần tra kiểm soát, tức là ngoài khu vực được căng dây phản quang, biển báo...
Vị này cũng lưu ý, việc giám sát của người dân không được gây cản trở, làm ảnh hưởng đến quá trình làm việc của người đang thực thi công vụ.
Trong dự thảo mới, nhiều nội dung được cơ quan soạn thảo đưa ra để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến.
Trong đó có phần liên quan đến việc công khai 6 nhóm nội dung khi thực hiện công tác bảo đảm TTATGT của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT).
Theo đó, Bộ Công an đề xuất sửa đổi Thông tư số 67/2019 theo hướng lực lượng CSGT chỉ công khai kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông. Các nội dung công khai gồm: Tên đơn vị; Tuyến đường; Loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; Thời gian thực hiện.
Như vậy, nếu được thông qua thì tới đây, CSGT sẽ không cần phải công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên.
Cơ quan soạn thảo nhấn mạnh, việc sửa đổi này là rất cần thiết nhằm bảo đảm tính hợp pháp và thống nhất với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Đồng thời, sát với thực tiễn công tác bảo đảm trật tự ATGT, phù hợp quy phạm pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ cơ sở.
Lợi dụng quyền giám sát CSGT để ghi hình, tung lên mạng xã hội
Trước khi đưa ra đề xuất trên, Bộ Công an nhìn nhận qua hơn bốn năm thực hiện, Thông tư số 67/2019/TT-BCA đã không còn phù hợp với tình hình thực tế, phát sinh nhiều bất cập.
Chẳng hạn như việc giám sát của người dân với lực lượng CSGT có lúc, có nơi chưa khách quan, đúng quy định; một số cá nhân lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc của CSGT.
Sau đó, họ chia sẻ lên mạng xã hội dẫn đến tư tưởng ngại va chạm, thiếu tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ và ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng. Nhiều đối tượng chống đối đã lợi dụng xúi giục người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo gây phức tạp cho công tác thi hành pháp luật.
Bên cạnh đó, một bộ phận CSGT chưa chịu khó học tập, nghiên cứu, chưa gắn việc thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT với việc thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn. Điều này dẫn đến khi làm việc trực tiếp với người dân, cán bộ chức năng chưa nắm được pháp luật, nghiệp vụ. Từ đó, xử lý tình huống chưa giải thích thỏa đáng những yêu cầu, hỏi đáp của nhân dân.
Ngoài ra, việc công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính đang bị một số đối tượng lợi dụng để gây khó khăn cho lực lượng CSGT làm công tác tuần tra, kiểm soát trên đường.
Việc quy định về khu vực bảo đảm trật tự ATGT cũng chưa rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện thông tư trong thực tế. Còn việc góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân thông qua các mạng xã hội như zalo, facebook, ứng dụng VneTraffic của cơ quan công an chưa được quy định.
Từ những nội dung trên, Bộ Công an khẳng định việc ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019/TT-BCA quy định thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT là rất cần thiết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận