Xã hội

Đề xuất dành làn đường riêng phục vụ chữa cháy trong khu đô thị, dân cư

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Chung cho rằng, trong khu đô thị và dân cư mới cần phải quy hoạch làn đường dành riêng cho cứu nạn, cứu hộ để phục vụ phòng cháy chữa cháy.

Cần phải nêu rõ đường dành riêng cho cứu nạn, cứu hộ

Chiều nay (19/6), tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).

Đại biểu Huỳnh Thành Chung (đoàn Bình Phước) cho biết, Điều 13 của dự thảo Luật quy định, khi lập, điều chỉnh quy hoạch chung, phân khu, chi tiết đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp và các khu chức năng theo quy định của pháp luật về quy hoạch phải có giải pháp, thiết kế về PCCC phù hợp với từng loại quy hoạch, bảo đảm hệ thống giao thông phục vụ hoạt động PCCC, CNCH.

Đề xuất dành làn đường riêng phục vụ chữa cháy trong khu đô thị, dân cư- Ảnh 1.

Đại biểu Huỳnh Thành Chung (đoàn Bình Phước).

Ông Chung cho rằng, cần phải nêu rõ đường dành riêng cho CNCH. Đặc biệt trong khu đô thị và dân cư mới cần phải quy hoạch làn đường dành riêng cho CNCH.

"Làn riêng này không được đỗ xe, rào chắn, vật cản, được sơn màu đỏ, nhìn thấy vậy người dân không dám để vật cản làm cản trở công việc CNCH. Đường đó sẽ đảm bảo để phục vụ cho chữa cháy và CNCH", ông Chung nói.

Về khoản 2, Điều 28, dự thảo Luật liên quan đến người chỉ huy chữa cháy, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (đoàn Bạc Liêu) nhất trí bổ sung quy định cho phép người chỉ huy chữa cháy được quyền "cấm người và phương tiện không có nhiệm vụ vào khu vực chữa cháy" nhằm bảo đảm trật tự cho khu vực chữa cháy, tạo thuận lợi cho lực lượng PCCC&CNCH thực hiện nhiệm vụ cũng như bảo đảm an toàn cho người dân khu vực xung quanh.

"Tuy nhiên, cần quy định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm của người chỉ huy này để tạo thuận lợi cho họ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và có thể mạnh dạn trong quyết định các vấn đề quan trọng phát sinh tại thời điểm xảy ra cháy, nổ", bà Linh nói.

Xe chữa cháy không vào được, thì phải có máy bay

Nhấn mạnh quan điểm "phòng là chính" để không xảy ra hoặc hạn chế xảy ra, bởi nếu để xảy ra cháy thì hậu quả khôn lường, đại biểu Lê Kim Toàn (đoàn Bình Định) đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để ban hành được tiêu chuẩn kỹ thuật phòng cháy, bảo đảm an toàn với từng loại hình cơ sở.

Đề xuất dành làn đường riêng phục vụ chữa cháy trong khu đô thị, dân cư- Ảnh 2.

Đại biểu Lê Kim Toàn (đoàn Bình Định).

"Đây là cơ sở để mỗi gia đình, tổ chức, đơn vị tuân thủ và cần phải triệt để tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật này", đại biểu Toàn nói.

Cũng theo đại biểu, PCCC là trách nhiệm của toàn dân, lực lượng chuyên trách PCCC là nòng cốt.

"Đã là trách nhiệm toàn dân thì công đoạn nào có thể xã hội hóa được nên xã hội hóa, những khâu then chốt thì lực lượng chuyên trách đảm trách", đại biểu Lê Kim Toàn nêu ý kiến.

Cũng theo đại biểu Toàn, phải nghiên cứu kỹ điều kiện chuyển tiếp và với những công trình hiện hữu không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật thì phải có lộ trình, bước đi để bảo đảm.

"Lộ trình ngắn hay dài của từng loại hình phải được xác định. Với nhà ở riêng lẻ của người dân, họ xây rồi, chưa có điều kiện cải tạo, thì mình có thể yêu cầu tháo dỡ "chuồng cọp" không? Hoặc nhà trong hẻm cho thuê, có nhiều người sinh sống mà không bảo đảm PCCC thì có chuyển đổi mục đích sử dụng không?", đại biểu Toàn nêu vấn đề.

Đặc biệt, theo đại biểu Toàn, lực lượng chuyên trách PCCC cần tiến thẳng lên hiện đại.

"Quy hoạch hiện nay nhiều nơi xe chữa cháy không vào được, thì phải có máy bay, phương tiện hiện đại để khắc phục sự cố. Những gì liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người dân thì phải quan tâm đầu tư", đại biểu Toàn nhấn mạnh.

Phòng cháy phải tốt hơn chữa cháy

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật PCCC&CNCH. Đồng thời cho rằng, thực tế chúng ta mới xây dựng các quy định về biện pháp chữa cháy, còn các quy định về phòng cháy như thế nào cho hiệu quả còn chung chung, chưa cụ thể.

Đề xuất dành làn đường riêng phục vụ chữa cháy trong khu đô thị, dân cư- Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội).

Dẫn chứng về các vụ cháy gây chết nhiều người tại quận Thanh Xuân, Cầu Giấy và Hoàng Mai vừa qua, đại biểu Nguyễn Hữu Chính khẳng định, phòng cháy quan trọng hơn chữa cháy và phòng cháy phải tốt hơn chữa cháy.

Tại Điều 8 Dự thảo Luật PCCC&CNCH quy định, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện pháp luật về PCCC&CNCH. Vận động, giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện pháp luật về PCCC&CNCH, hỗ trợ giải quyết hậu quả sau các vụ cháy, sự cố, tai nạn.

Đại biểu Chính cho rằng, công tác PCCC cũng như tuyên truyền về PCCC đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và trách nhiệm mỗi người dân, mỗi gia đình chứ không riêng gì Mặt trận Tổ quốc. 

Thực tế các vụ cháy xảy ra cho thấy, nếu chỉ trông chờ vào lực lượng cứu hỏa thì không thể dập tắt đám cháy được, mà có sự giúp sức của các tầng lớp Nhân dân.

"Vì thế, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để tuyên truyền, chung tay trong công tác PCCC&CNCH mới hiệu quả được", đại biểu Chính nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.