Thị trường

Đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá bán lẻ xăng dầu

08/01/2023, 01:00

Bộ Công thương đề xuất phương án doanh nghiệp tự xác định và công bố giá bán lẻ của mình, trên cơ sở Nhà nước công bố yếu tố cấu thành giá.

Bộ Công thương vừa gửi văn bản lấy ý kiến các Sở Công thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 95 và Nghị định 83).

Theo quy định hiện hành, Nhà nước quy định công thức giá cơ sở đầy đủ để làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu.

Cụ thể, Nhà nước công bố mức giá trần để các doanh nghiệp tự xác định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống của doanh nghiệp, không cao hơn mức giá Nhà nước công bố.

Tuy nhiên, Bộ Công thương cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu thời gian qua có nhiều biến động và nguồn cung xăng dầu có thời điểm bất ổn là do các chi phí kinh doanh chưa tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do Nhà nước điều hành, dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh.

Bởi vậy, Bộ này đề xuất sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo 2 phương án.

img

Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu muốn được quy định một mức chiết khấu cụ thể để tránh tình trạng chiết khấu "0 đồng" như thời gian qua - một trong những lý do khủng hoảng nguồn cung

Phương án 1, vẫn điều hành giá xăng dầu như hiện nay, nhưng sửa công thức giá cơ sở theo hướng bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp chưa được tính, như premium trong nước. Các quy định về phương thức, tần suất xác định chi phí... sẽ được rà soát để đảm bảo tính đúng, đủ vào giá cơ sở xăng dầu.

Phương án 2, Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá, gồm giá thế giới (giá Platt’s), các loại thuế, lợi nhuận định mức, mức trích, sử dụng Quỹ bình ổn giá... Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ cộng các chi phí kinh doanh, vận chuyển, premium... để tự xác định và công bố giá bán lẻ của mình. Doanh nghiệp tự kê khai khi thay đổi giá bán, báo cáo liên Bộ Công thương - Tài chính để giám sát.

So sánh 2 phương án, Bộ Công thương kiến nghị chọn phương án 2 với lý sẽ giúp đưa giá xăng dầu dần về thị trường, giảm dần sự can thiệp của Nhà nước.

Đồng thời, phương án này cũng bảo đảm phản ánh đủ chi phí thực tế phát sinh của các doanh nghiệp trong giá cơ sở xăng dầu, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Với nội dung này, Bộ Công thương cũng đề xuất Bộ Tài chính viết nội dung sửa đổi Nghị định để gửi Bộ Công thương tổng hợp như đã phân công trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập.

Tại dự thảo này, những kiến nghị sửa đổi từ phía doanh nghiệp cũng được Bộ này nêu ý kiến.

Liên quan đến mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương quan điểm, không quy định cụ thể mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu để các doanh nghiệp chủ động đàm phán với nhau cho phù hợp và linh hoạt với biến động cung cầu của thị trường trong từng giai đoạn.

Với ý kiến các đại lý bán lẻ được lấy từ nhiều nguồn, Bộ Công thương không đồng tình. Điều này nhằm phù hợp với Luật Thương mại và quyền, nghĩa vụ của đại lý.

Còn quy định với thương nhân phân phối, dự thảo được sửa đổi theo hướng chỉ được mua hàng từ tối đa 3 đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu (hiện nay chỉ được lấy từ một đầu mối).

Trước đó, trong bối cảnh thị trường xăng dầu "nóng" về việc đứt nguồn cung, tại Nghị quyết 143 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95 và Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.