Bộ GTVT khẳng định quyết tâm thực hiện xong trong năm 2019, nhưng cũng đề nghị Thủ tướng tháo gỡ hàng loạt những cản trở, vướng mắc...
Vẫn còn nhiều lực cản
Báo cáo Chính phủ về tình hình triển khai dự án thu phí không dừng do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ký ngày 25/6 cho biết, đến thời điểm hiện tại, giai đoạn 1 của dự án có tổng số 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án. Các trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã lắp đặt và vận hành thương mại theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng (chỉ còn trạm tránh Thanh Hóa đang dừng thu do thay đổi vị trí trạm).
“Đối với 18 trạm bổ sung vào dự án, đã vận hành thương mại được 4 trạm là Mỹ Lộc, Tân Đệ, An Sương - An Lạc và QL10 đoạn Quán Toan - Cầu Nghìn. Hiện còn 14 trạm còn lại đang triển khai trong năm 2019”, Bộ GTVT cho biết và khẳng định: “Dự án giai đoạn 1 đã thực hiện đúng tiến độ theo chỉ đạo của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ”.
Cũng theo Bộ GTVT, dự án giai đoạn 2 có tổng số 33 trạm, bao gồm 10 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và 23 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác. “Dự án đã hoàn thành công tác đấu thầu và lựa chọn được liên danh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) là nhà đầu tư thực hiện dự án từ tháng 5/2019. Dự kiến sẽ lắp đặt và vận hành các trạm trong năm 2019 theo đúng chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ”, Bộ GTVT cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ GTVT, hiện dự án đang gặp nhiều vướng mắc về lượng phương tiện dán thẻ và sử dụng dịch vụ thấp, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân và kết nối liên thông giữa tài khoản giao thông và ngân hàng.
Cụ thể, hiện mới chỉ có khoảng 700 nghìn trong tổng số trên 3,5 triệu phương tiện trong cả nước dán thẻ; tỷ lệ người trả phí tự động tại các trạm vẫn còn thấp, đạt khoảng trên 30% lượng phương tiện đã dán thẻ.
“Chủ phương tiện vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt trong khi việc thanh toán, nộp và quản lý tài khoản giao thông chưa được thuận tiện cho người sử dụng dẫn đến chưa khuyến khích được người dân tham gia dịch vụ. Bên cạnh đó, hiện chưa có quy định bắt buộc phương tiện không dán thẻ không được đi vào làn thu phí tự động, dẫn đến việc có phương tiện dán thẻ đi qua làn ETC vẫn phải dừng chờ phương tiện chưa dán thẻ, chưa phát huy hiệu quả của việc sử dụng dịch vụ thu phí không dừng nên chưa khuyến khích được các phương tiện dán thẻ”, Bộ GTVT lý giải.
Một “lực cản” khác được Bộ GTVT chỉ ra là do quy định về trình tự, thủ tục triển khai lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP mất nhiều thời gian dẫn đến thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án giai đoạn 2 đến thời điểm này mới hoàn thành. “Tiến độ triển khai các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) quản lý còn nhiều vướng mắc do chưa xác định được nguồn vốn đầu tư hệ thống thiết bị ETC. Đồng thời, việc chuyển VEC về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, trong khi quy định pháp luật về phân cấp, phân quyền chưa rõ ràng cũng ảnh hưởng đến tiến độ các dự án cao tốc do VEC quản lý”, Bộ GTVT cho biết thêm.
Một vướng mắc nữa theo Bộ GTVT các hợp đồng BOT đã ký trước đây không có chủ trương áp dụng thu phí không dừng, để triển khai hệ thống ETC cần ký phụ lục hợp đồng BOT đối với tất cả các nhà đầu tư BOT. Bên cạnh đó, hệ thống thu phí tự động không dừng áp dụng công nghệ mới, đầu tư theo hình thức PPP rất phức tạp, liên quan đến lợi ích của nhiều chủ thể nên phát sinh nhiều vướng mắc trong đàm phán làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
“Một số nhà đầu tư như: dự án Cần Thơ - Phụng Hiệp, Hà Nội - Bắc Giang, hầm Phú Gia - Phước Tượng... chưa hoàn thiện các thủ tục ký phụ lục hợp đồng BOT với Bộ GTVT, hợp đồng dịch vụ với nhà cung cấp dịch vụ với lý do ngân hàng cung cấp tín dụng cho dự án BOT chưa đồng thuận do một số dự án có doanh thu thấp hơn so với phương án tài chính ban đầu hoặc còn thắc mắc về phương án trích từ doanh thu để trả chi phí quản lý thu phí tự động cho nhà cung cấp dịch vụ sẽ làm ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án BOT”, Bộ GTVT cho biết.
Ngoài ra, theo Bộ GTVT, ngân hàng cung cấp tín dụng cho dự án còn quan ngại trong trường hợp phương án trích trực tiếp từ doanh thu các dự án BOT nếu chậm thực hiện sẽ ảnh hưởng đến phương án tại chính dự án thu phí tự động dẫn đến công tác giải ngân cho dự án ETC còn chậm.
“Tối hậu thư” cho các nhà đầu tư
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, hệ thống thu phí tự động không dừng là một bộ phận của các dự án BOT, theo chủ trương bắt buộc phải thực hiện theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ. Việc này cũng đáp ứng yêu cầu của xã hội, hướng tới sự hài lòng và thuận lợi cho người tham gia giao thông, đảm bảo sự minh bạch trong quá trình thu phí đường bộ.
Để thúc đẩy tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng, cũng như tăng cường tính công khai, minh bạch trong công tác thu phí tại các trạm BOT, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện việc dán thẻ đầu cuối và sử dụng dịch vụ ETC đối với các phương tiện thuộc diện thu phí do bộ, ngành, địa phương quản lý.
Bộ GTVT sẽ đôn đốc, chỉ đạo các nhà đầu tư BOT do Bộ GTVT là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bàn giao trạm đang thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ để thực hiện thu phí ETC theo quy định của Quyết định số 07/2017. Đồng thời, dừng thu phí khi nhà đầu tư BOT không ký phụ lục hợp đồng BOT với Bộ GTVT về triển khai dịch vụ thu phí không dừng, hợp đồng dịch vụ với nhà cung cấp dịch vụ... trước ngày 31/8/2019 và không triển khai dịch vụ thu phí không dừng tại trạm thu phí trước ngày 31/12/2019.
Bộ GTVT cho biết, cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ban hành các quy định nghiêm cấm các phương tiện chưa dán thẻ đi vào các làn ETC và chỉ được đi làn thu phí một dừng hoặc làn thu phí hỗn hợp. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi gây rối, không hợp tác khi qua trạm thu phí như tự động dừng, đỗ trái phép trước trạm thu phí, không giữ khoảng cách quy định khi qua làn ETC để trốn vé. Xem xét để lại mỗi bên 1 làn thu phí hỗn hợp hoặc một dừng để các phương tiện chưa dán thẻ có thể đi qua. Tăng cường công khai, minh bạch công tác thu phí thông qua kết nối, cung cấp dữ liệu thu phí ETC nếu các bộ, ngành có nhu cầu và có đề xuất được kết nối để theo dõi, giám sát hoạt động thu phí.
Cùng đó, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, kiểm tra giám sát nhà cung cấp dịch vụ thu phí thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng đối với việc thanh toán dịch vụ thu phí tự động không dừng. Đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại kết nối tài khoản ngân hàng với tài khoản giao thông của chủ phương tiện mở tại nhà cung cấp dịch vụ thu phí đảm bảo liên liên thông, thuận lợi. Bên cạnh đó, chỉ đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục giải ngân cho dự án thu phí tự động không dừng để hoàn thành đúng tiến độ.
“Bộ Công an chỉ đạo Cục CSGT yêu cầu các chủ phương tiện phải dán thẻ đầu cuối cho phương tiện tại lần kiểm định gần nhất, tại các đại lý của nhà cung cấp dịch vụ thu phí. Đối với các phương tiện chưa dán thẻ đầu cuối hoặc chưa thanh toán qua tài khoản giao thông phải nghiêm túc không đi vào làn thu phí tự động không dừng tại trạm thu phí và chỉ được phép đi làn thu phí một dừng hoặc làn thu phí hỗn hợp nếu có. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các chủ phương tiện qua trạm thu phí có biểu hiện gây rối, không hợp tác”, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo.
Đối với các dự án tuyến cao tốc, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đôn đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dùng tại các dự án cao tốc do VEC quản lý đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kết nối liên thông với hệ thống thu phí tự động do Bộ GTVT đang triển khai.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN:
Cần hài hòa lợi ích 4 bên
Sở dĩ việc triển khai thu phí không dừng bị chậm một phần nguyên nhân do các nhà đầu tư BOT “sợ” minh bạch. Vì vậy, họ tìm đủ lý do để trì hoãn triển khai dịch vụ này. Do đó, cần sớm bổ sung chế tài xử lý các nhà đầu tư cố tình không triển khai sớm dịch vụ thu phí không dừng.
Việc áp dụng các công nghệ hiện đại trong thu phí là xu thế tất yếu nên hiệp hội rất ủng hộ. Đây là chủ trương lớn của Chính phủ và Bộ GTVT nhằm hiện đại hóa hoạt động thu phí, đảm bảo việc thu phí minh bạch hơn, đem lại nhiều lợi ích.
Tuy nhiên, thực hiện nhanh hay chậm là do có giải quyết hài hòa được lợi ích giữa 4 chủ thể: Nhà đầu tư BOT - nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động - người sử dụng dịch vụ đường bộ - Nhà nước. Mặt khác, trong quá trình triển khai thu phí không dừng cần phải có giai đoạn chuyển tiếp. Trong giai đoạn chuyển tiếp, sẽ thực hiện thu phí hỗn hợp, cả thu phí tự động và thu phí thủ công, chứ thực hiện đồng bộ ngay thu phí không dừng sẽ khó thực hiện.
GS.TS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT:
Trở ngại thu phí không dừng chính là con người
Hệ thống thu phí tự động không dừng sẽ cung cấp dịch vụ hiện đại, công khai, minh bạch trong hoạt động ở các trạm BOT, tránh tiêu cực, thất thoát và hướng tới sự hài lòng cao nhất cho người tham gia giao thông, giúp chủ xe tiết kiệm thời gian lưu thông qua trạm. Nhiều nước trên thế giới đã triển khai thu phí không dừng từ lâu, nhưng tại Việt Nam vì nhiều lý do nên hệ thống chưa mang lại hiệu quả như mong muốn do nhiều trở ngại.
Tôi cho rằng, về mặt công nghệ Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng. Dự án triển khai gặp nhiều trở ngại nhưng tôi cho rằng trở ngại chính là do yếu tố con người. Điều quan trọng nhất hiện nay là chúng ta phải loại bỏ tư tưởng chây ì thu phí không dừng. Nhiều nhà đầu tư muốn kéo dài thêm thời gian thu phí thủ công để phục vụ cho mục đích nào đó của họ.
Có thể số này không nhiều, nhưng đừng vì thế mà cản trở quá trình phát triển hiện đại hóa giao thông. Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt nhưng cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ khâu cơ sở hạ tầng, về quản lý và người sử dụng dịch vụ và đồng bộ từ đầu tư hệ thống thiết bị đến hoàn thiện cơ chế chính sách.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận